Luật Đấu thầu 2023: Kỳ vọng và thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng

Ngày 31-5, tại Đà Nẵng, Hội thảo “Luật Đấu Thầu 2023: Những kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng” được Báo Pháp Luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức.

Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Ngọc Hoàng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có nhiều điểm mới trong đấu thầu qua mạng, thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị, chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ, trả kết quả ngay trên hệ thống. Hay như chào giá trực tuyến và bảo lãnh điện tử hướng tới số hoá, tự động các khâu liên quan.

Luật Đấu thầu 2023: Kỳ vọng và thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng - Ảnh 1 Cụ thể, việc phê duyệt hồ sơ đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được thực hiện kể từ ngày 1-12-2024.

Hệ thống đấu thầu qua mạng sẽ bổ sung luồng tạo tài khoản cùng nhóm quyền cho người có thẩm quyền phê duyệt Hồ sơ, kết quả. Tài khoản này cũng là tài khoản nghiệp vụ, gắn với cá nhân là người đứng đầu hoặc người được ủy quyền.

Đồng thời, việc chào giá trực tuyến cũng là hình thức mới, nhà thầu chào lặp lại nhiều lần mức giá, làm cơ sở để hệ thống tự động xếp hạng. Chào giá trực tuyến bao gồm chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường và chào giá trực tuyến theo quy trình rút gọn.

Luật Đấu thầu 2023: Kỳ vọng và thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng - Ảnh 2 Là một trong những đơn vị, Tập đoàn  áp dụng đấu thầu qua mạng sớm nhất, đại diện Tập đoàn Điện lực EVN cho rằng, hiện vẫn còn một số vướng mắc khi thực hiện Luật Đấu thầu 2023 như cơ chế để chủ đầu tư có thể tiếp cận thông tin dữ liệu nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn hạn chế.

Hệ thống chưa có cơ chế, tính năng hỗ trợ để chủ đầu tư/bên mời thầu có thể khai thác cơ sở dữ liệu nhà thầu, dữ liệu hàng hóa, dịch vụ liên quan nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Điều này sẽ là khó khăn cho các chủ đầu tư dự án trong trường hợp phải lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

Trong khi đó, Ths. Trần Thị Nhật Anh, Trường Đại học Luật, Đại học Huế kiến nghị cần bổ sung chế tài trong trường hợp bên mời thầu và chủ đầu tư không phản hồi, phản hồi chậm trễ, hoặc nội dung phản hồi chưa đảm bảo yêu cầu thông tin đối với nhà thầu.

Đây là một sự bổ sung cần thiết, trong bối cảnh Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này. Cùng đó là phải có chế tài xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu qua mạng.

“Ở thời điểm Luật Đấu thầu năm 2023 chỉ mới có hiệu lực trong một thời gian ngắn, hành động của Chính phủ lúc này là rất cần thiết, nhằm gia tăng cơ chế thực thi hiệu quả các quy định về đấu thầu qua mạng hiện nay”, Ths. Anh nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyên