HĐQT của Masan cho biết quyết định này liên quan đến kế hoạch nhằm hiện thực hóa việc xây dựng nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp, và nhằm hoàn tất giao dịch hoán đổi cổ phần đã được phê duyệt vào tháng 12/2019 trước đó.
Như vậy Masan sẽ thành lập Công ty TNHH The Sherpa và CTCP CrownX. Trong đó CrownX sẽ là công ty con nắm giữ phần vốn góp tại MCH và VCM.
Theo Masan, khoản đầu tư (của Masan) vào The Sherpa và CrownX tớitối đa 1,000 tỷ đồng trong một hoặc nhiều giao dịch. Tập đoàn sẽ chuyển nhượng cho CrownX trong một hoặc nhiều giao dịch toàn bộ vốn góp của VCM mà Masan đang nắm giữ, và toàn bộ phần vốn góp của MCH mà Masan đang nắm giữ.
Nếu Masan hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm giữ sang cho CrownX thì CrownX sẽ trực tiếp sở hữu 83.74% cổ phần của VCM - Công ty sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+ và VinEco cùng 85.71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings - Công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan.
Thương vụ Masan mua lại VCM từ tay Vingroup vào cuối năm 2019 gây bất ngờ cho giới đầu tư. Lãnh đạo công ty sau đó cho biết các quyết định được đưa ra trong vòng một tháng, đây là thời gian rất ngắn đối với các thương vụ M&A quy mô lớn.
Báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 của Masan cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn này đã tăng trưởng mạnh sau hợp nhất đơn vị sở hữu hai chuỗi Vinmart và Vinmart+.
Doanh thu thuần hợp nhất đạt 17.638 tỉ đồng, tăng thêm gần 10.000 tỉ đồng so với cùng kì năm trước, tương ứng mức tăng 116%. Trong đó, đóng góp đáng kể vào mức tăng doanh thu là VCM, tăng trưởng 40%.
Hiệu quả hoạt động của VinCommerce cũng đã có sự cải thiện đáng kể sau hợp nhất vào Masan, biên EBITDA trong Quí I/2020 đạt mức (5,1)% so với mức (9,1)% và (10,7)% lần lượt vào quí I/2019 và quí IV/2019.
Dù vậy, với việc hợp nhất VCM, Masan đã lần đầu tiên báo lỗ sau hàng chục năm. Mục tiêu trong năm nay, Masan kì vọng MCH sẽ đạt biên EBITDA cả năm từ (3%) cho đến hòa vốn sau khi cơ cấu lại danh mục sản phẩm tối giản chi phí và sắp xếp lại hoạt động logistics.
Huy Đức