Nhắc đến vẻ đẹp của mùa vàng Tây Bắc có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Mù Cang Chải hay Hoàng Su Phì, tuy nhiên sẽ thật thiếu sót nếu như bỏ qua cái tên Xím Vàng. Xím Vàng níu chân du khách nhờ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những cung đường quanh co tựa những dải lụa uốn lượn quanh sườn đồi, những ngọn núi cao như chạm tới mây trời, những con suối róc rách chảy về từ đại ngàn.
Vào thu, Xím Vàng khoác lên mình một màu vàng lấp lánh của những cánh đồng lúa chín. Sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng trên những bông lúa nặng trĩu hạt, khi những đỉnh núi cao còn ẩn hiện trong làn sương trắng xóa, du khách sẽ không khỏi xao xuyến, xuýt xoa trước vẻ đẹp tinh khôi, thơ mộng tựa tranh vẽ của nơi đây.
Đứng từ trên cao nhìn xuống vào lúc chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, những tia nắng nhuộm đỏ cả một đại ngàn, xuyên qua những ngọn núi xanh, một khung cảnh lãng mạn, nên thơ mà tạo hóa khéo léo vẽ nên được thu gọn trong tầm mắt.
Ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, cho biết: Ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc Mông khai phá từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang diện tích; sửa chữa, kiên cố hóa mương nước, thì diện tích ruộng tiếp tục được mở rộng. Đến nay, toàn xã có 321 ha ruộng bậc thang, tập trung chủ yếu ở các bản Sồng Chống, Xím Vàng, Háng Chơ, Trông Tầu.
Những năm gần đây, nhân dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh cây lúa, đưa các loại giống lúa mới, như nhị ưu 838, lúa lai Bắc Giang, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; năng suất đạt 50-55 tạ/ha, nhiều thửa cho năng suất gần 60 tạ/ha, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Bên cạnh đó, mỗi khi mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con; đây là một trong những hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm đang được xã chú trọng.
Tại bản Háng Chơ, gần 70 ha ruộng bậc thang lúa đang chín rộ, đông đảo du khách đến check in, chụp ảnh; bà con trong bản phát cỏ, sửa đường đi, tao thuận lợi cho du khách và chuẩn bị thu hoạch lúa. Chị Hạng Thị Sê, bản Háng Chơ, cho biết: Gia đình tôi có 1,5 ha lúa, năm nay nước tưới đảm bảo và được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên lúa phát triển rất tốt. Năm nay, cũng là năm đầu tiên xã tổ chức Lễ hội, chúng tôi rất vui vì sẽ được tiếp đón nhiều khách du lịch. Gia đình tôi đang chuẩn bị dụng cụ tham gia thi gặt, đập lúa, cho du khách trải nghiệm, góp phần thành công cho Lễ hội.
Tô điểm cho bức tranh thiên nhiên là nét đẹp lao động của bà con đồng bào dân tộc Mông cần cù, chịu khó. Cả năm chỉ có một vụ lúa, vì thế mùa gặt ở Xím Vàng vui như mở hội. Thấp thoáng trên ruộng bậc thang từng nhóm người già trẻ, gái trai đang tất bật gặt lúa, tuốt lúa, phơi rạ… Mồ hôi ướt đẫm từng gương mặt, vạt áo, nhưng ai nấy đều phấn khởi vì bó lúa trĩu hạt trên tay. Tiếng nói, tiếng cười, những câu chuyện về bữa cơm no, chiếc áo mới cho trẻ đến trường cứ vậy rộn rã, vang vọng cả một vùng trời.
Mùa lúa chín ở Xím Vàng thường kéo dài 1 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hằng năm. Cánh đồng lúa đẹp nhất để du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch lúa cùng bà con là cuối tháng 9 đầu tháng 10. Du khách đến dịp này còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm khu du lịch Tà Xùa, tham quan Sống lưng khủng long tại xã Háng Đồng.
Được biết, mùa lúa chín năm nay, ruộng bậc thang của xã Xím Vàng trở nên nhộn nhịp, rực rỡ hơn, bởi nơi đây sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ hội Mùa vàng lần thứ nhất năm 2023, do UBND xã tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/10. Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động thi gặt lúa, đập lúa nhanh; kéo co; đẩy gậy; giã bánh dày; thêu vải và ném pao, thổi khèn. Thông qua Lễ hội, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của xã Xím Vàng. Đồng thời, kết nối hoạt động, hợp tác phát triển du lịch giữa xã với các hiệp hội, doanh nghiệp, chi hội du lịch, lữ hành, các tour, tuyến du lịch trong, ngoài nước và mời gọi đầu tư sản phẩm du lịch.
Một số hình ảnh về vẻ đẹp vùng cao Xím Vàng:
PHI LONG/VPTB