Miền Trung-Tây Nguyên đủ ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà’ để phát triển

Đây là phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên, ngày 18/7.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu  
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu  
 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho rằng, nói về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, chúng ta cần xác định rõ tiềm năng và thế mạnh của vùng. Đây là vùng có diện tích rộng lớn với đủ các loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, tài nguyên thiên nhiên phong phú như khoáng sản, nắng gió, nhiều di tích lịch sử và văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em gắn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, truyền thống yêu nước nồng nàn, người dân cần cù, chịu khó, thông minh, hiếu học và quyết tâm vượt khó…

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, xét về cả yếu tố con người, đất đai và các yếu tố phi vật chất khác thì khu vực này có tiềm năng vô cùng lớn, là nền tảng quan trọng để phát triển. Với điều kiện hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm này đang có được đầy đủ các yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Thiên thời là vị thế của đất nước đang lên, dư địa phát triển của vùng còn lớn như xu hướng thu hút đầu tư đang được đẩy mạnh ở khu vực này. Địa lợi là tài nguyên đất đai rộng lớn, với các hành lang kinh tế sang Lào và Campuchia, Thái Lan. Hạ tầng giao thông dù chưa hiện đại nhưng có thể nói tương đối hoàn chỉnh như sân bay, cảng biển, các tuyến quốc lộ. Nếu làm tốt các tuyến đường xương cá thì càng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của vùng. Trước đây, nắng gió là khó khăn, trở ngại nhưng giờ đây là tài nguyên.

Nhân hoà là khát vọng vươn lên của con người miền Trung và Tây Nguyên rất lớn cộng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi... Những yếu tố này cộng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay sẽ tạo điều kiện, tiền đề tốt cho cả vùng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Về định hướng phát triển, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, các tỉnh trong vùng có sự liên kết, gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Trong đó, các nhóm liên kết phát triển có thể nhìn thấy như nhóm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai; nhóm các tỉnh gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận liên kết với Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Trong nhóm thứ 2 thì Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông có xu thế gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và TPHCM. Điều này đặt ra việc đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, như hoàn chỉnh tuyến cao tốc từ Huế đến Bình Thuận kết nối với TPHCM tạo tiền đề cho phát triển.

Mục tiêu là xây dựng vùng kinh tế này thành khu vực phát triển, cửa ngõ phía Đông của đất nước, có vai trò quan trọng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc hoặc phía Nam, kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước.

Do đặc điểm vị trí địa lý, các bộ, ngành, địa phương cần chú ý xây dựng hoàn thiện kết nối hạ tầng kinh tế biển, bao gồm hệ thống cảng biển, logistic, sân bay, kết nối với nội địa đi lên Tây Nguyên.

Cần phát triển mạnh mẽ kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng và chế biển thuỷ hải sản, logistic, đóng tàu… Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Khoá XII về phát triển kinh tế biển, toàn vùng cũng như từng tỉnh cần có đề án phát triển cụ thể, phát huy lợi thế so sánh, chú ý những nhân tố phát triển mới như năng lượng tái tạo là lợi thế lớn của vùng và thúc đẩy du lịch với việc đa dạng hoá các loại hình và sản phẩm du lịch nơi đây để thu hút khách quốc tế và trong nước.

Hiện nay, đang có xu hướng chuyển dịch tài chính quốc tế và đầu tư nước ngoài. Đà Nẵng và các tỉnh cần chuẩn bị hạ tầng giao thông, xây dựng, logistic, các khu công nghệ, hạ tầng số, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao như đội ngũ chuyên gia và kỹ sư, công nhân lành nghề… để đón xu hướng này. Muốn vậy, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành từ Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ cho đến cấp cơ sở trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch đến chiến lược của mình, từ việc nhỏ như đón nhà đầu tư, tạo điều kiện, xúc tiến đầu tư vào địa phương, giữ chân nhà đầu tư…

“Muốn vậy, các tỉnh phải thực tâm cải cách hành chính, coi đây là khâu then chốt, đột phá trong kêu gọi và thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có quy định chế tài xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức nếu để chậm trễ thủ tục, gây khó khăn, sách nhiễu”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Đồng thời, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, sử dụng nguồn lực nhà nước cho hiệu quả, không nhất thiết việc gì cũng nhà nước làm, nếu tư nhân cũng có đủ năng lực để làm.

Đi đôi với các yếu tố để thúc đẩy phát triển nêu trên, cần gắn chặt với bảo vệ vững chắc quốc phòng – an ninh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, giải quyết khiếu nại tố cáo, cải cách bộ máy hành chính ngày càng hiệu quả hơn, công khai minh bạch hơn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự chuyên nghiệp, thực sự là công bộc của dân, không được nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà để vòi vĩnh, tham nhũng vặt…

Những ùn tắc trong giải ngân vốn đầu tư công với mấy “điểm nghẽn” như thủ tục, giải phóng mặt bằng chậm trễ cũng cần sớm được “giải toả”, tập trung vốn cho dự án nào tốt để tạo sức lan toả, với những dự án trì trệ hoặc không làm được thì dừng lại. Từng địa phương phải “giao ban” để kiểm tra việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đẩy mạnh công tác truyền thông để khơi dậy ý chí, khí thế của nhân dân, phát huy tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của mọi người, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng cũng như từng địa phương trong thời gian tới.

Lê Sơn
Theo Báo Chính phủ