Mùa thu uống trà hoa cúc, sự giao hòa về hương vị và cảm xúc 

Trà hoa cúc là thức uống tinh tế và thanh tao, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo đó, một chút hương hoa nhẹ nhàng của mùa thu kết hợp với hương vị tươi mới của trà hoa cúc sẽ giúp bạn khởi đầu một ngày mới thật hiệu quả.

Từ xưa đến nay, trà hoa mang lại nét mới mẻ trong việc thưởng trà qua những mùi hương và vị đặc trưng của các loài hoa. Trong đó, trà hoa cúc là một trong những tứ đại trà hoa nổi tiếng bởi được uống theo hai mùa trong năm. Nếu như mùa nóng đa phần mọi người chọn uống trà cúc đá thì mùa thu uống trà cúc nóng là ưu tiên số một.

Cái thú uống trà cúc đã trở thành thói quen không thể thiếu với người mê trà.
Cái thú uống trà cúc đã trở thành thói quen không thể thiếu với người mê trà.

Chén trà lay động những cánh hoa vàng sót lại, xoay xoay trong lòng chén, đưa lên miệng nhấm nháp thấy vị chát nồng, một lúc sau thì ngọt dịu nơi cổ họng, thấy tâm hồn cũng như mềm đi trong khoảnh khắc ấy.

Mùa thu của những năm trước, phố phường Hà Nội luôn tấp nập những chiếc xe đạp chở cúc họa mi, cúc vàng, bạch cúc như mang theo hương vị mùa thu trải dài trên những con phố lao xao. Đâu đó bên quán quen cũ, giữa thời tiết se lạnh, chén trà hoa cúc thơm đẫm vị Hà Nội đã cuốn hút người thưởng thức bởi vẻ đẹp thanh tao, dân dã, nhưng vẫn toát lên nét thanh khiết, khí chất của những khóm cúc hoa.

Hoa cúc mang theo hương vị mùa thu trải dài trên những con phố của Hà Nội
Hoa cúc mang theo hương vị mùa thu trải dài trên những con phố của Hà Nội

Chắt lọc những nét đẹp tinh túy cùng hương thơm thanh mát của hoa cúc, trà hoa cúc là một trong những loại trà hoa đỉnh cao trong nghệ thuật thưởng trà hoa của người Việt. Không chỉ bởi những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà trà cúc mang lại, mà còn bởi nghệ thuật thưởng trà hoa độc đáo của các nghệ nhân xưa.

Tác dụng của trà hoa cúc

Cải thiện sức khỏe tim mạch: Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, hoa cúc làm tăng lưu lượng máu mạch vàng. Đã có thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản chỉ ra rằng hoa cúc có hiệu quả giảm huyết áp các triệu chứng huyết áp cao như mất ngủ, chóng mặt và nhức đầu. Những nghiên cứu này cũng chứng minh rằng các đặc tính kháng sinh mạnh của hoa cúc cũng có thể có hiệu quả để điều trị đau thắt ngực, hoặc đau ngực mà bắt nguồn tư bệnh tim mạch vành.

Theo nghiên cứu, hoa cúc có hiệu quả giảm huyết áp các triệu chứng huyết áp cao như mất ngủ, chóng mặt và nhức đầu
Theo nghiên cứu, hoa cúc có hiệu quả giảm huyết áp các triệu chứng huyết áp cao như mất ngủ, chóng mặt và nhức đầu

Làm giảm bớt triệu chứng cảm nóng: Theo tạp chí "Natural Health", các nhà y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng trà hoa cúc để điều trị cảm nóng (hoặc cảm lạnh kèm theo sốt, sưng hạch và đau đầu). Họ sử dụng hoa cúc khô, hoa kim ngân khô, bạc hà khô cùng một lít nước sôi và cho bệnh nhân uống trà hoa cúc này hai giờ một lần để giúp giảm bớt các triệu chứng cảm nóng.

Điều trị phát ban nhiệt: Trà hoa cúc cũng có thể điều trị phát ban nhiệt. Y học Trung Quốc tin rằng phát ban nhiệt là một triệu chứng của sự mất cân bằng nhiệt độ bên trong. Họ kết hợp 2 muỗng canh hoa cúc khô, 1 muỗng canh lá bạc hà và 1 lít nước sôi. Ngâm trà trong khoảng 20 phút rồi uống khoảng 1/2 tách trà hoa cúc mỗi hai hoặc ba giờ cho đến khi phát ban nhiệt biến mất. Tạp chí "Natural Health" gợi ý nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có đường hoặc dùng nhiều gia vị vì nó có thể tạo ra nhiệt nhiều hơn trong cơ thể của bạn.

Cải thiện sức khỏe của mắt: Trà hoa cúc cũng có thể có hiệu quả trong điều trị các vấn đề về mắt, bao gồm cải thiện về tầm nhìn của người đã sút kém tầm nhìn. Trà hoa cúc có hiệu quả chống lại các bệnh nhiễm trùng cấp tính của mắt, như viên kết mạc cấp tính. Hãy thử nhấm nháp trà hoa cúc nếu bạn bị khô mắt hoặc đỏ mắt do đọc sách nhiều hoặc làm việc với máy tính trong thời gian dài.

Ngăn ngừa tế bào ung thư: Trong trà hoa cúc có chứa chất Apigenin đã được chứng minh có tác dụng hiệu quả ngăn ngừa các tế bào ung thư, hỗ trợ cho các loại thuốc chính đặc trị ung thư phát huy tác dụng tốt hơn. Người mắc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung… nên uống trà hoa cúc hàng ngày.

Cách dùng trà hoa cúc đơn giản tại nhà

Trà hoa cúc rất dễ pha để thưởng thức, tốt cho sức khỏe. Bạn có thể phơi khô hoa cúc, sau đó để vào hộp kín, mỗi lần uống trà lại đem ra hãm với nước nóng. Uống trà hoa cúc vào buổi sáng tốt nhất, giúp cơ thể minh mẫn, tỉnh táo, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, có thể dùng trà hoa cúc để ăn sống, gia vị cho món canh, nấu nước uống…

Lựa chọn hoa cúc để làm trà: Trà hoa cúc uống ngon nhất phải là bông hoa cúc nhỏ, màu trắng hoặc vàng, được thu hoạch vào mùa thu. Các loại khác như cúc họa mi, cúc đại đóa, cúc tổ ong cũng có thể dùng pha trà, tuy nhiên hương vị sẽ không đậm đà, thơm như loại hoa cúc nhỏ.

Lựa chọn hoa cúc để làm trà
Lựa chọn hoa cúc để làm trà

Cách làm, pha trà: Hoa cúc tươi mua về phải nhặt cánh, rửa nhẹ nhàng cho sạch bụi bẩn, tránh dập nát, sau đó để ráo nước rồi phơi nắng hoặc sấy máy cho khô. Bảo quản trà hoa cúc khô trong lọ thủy tinh hoặc lọ nhựa, tránh để nơi ẩm ướt vì dễ bị mốc, giảm chất lượng của trà.

Pha chế trà hòa cúc
Pha chế trà hòa cúc

Khi pha chế trà hòa cúc, lấy liều lượng khoảng 50 - 80 gam sắc với 1,5 lít nước nóng đun sôi. Có thể cho thêm chút mật ong, cao atisô, hoặc vị thuốc cam thảo, táo đỏ để uống trà ngon hơn.

Lưu ý chỉ pha và uống trà hoa cúc trong ngày, không để đến ngày hôm sau. Uống trà đều đặn từ 2 đến 6 tháng để đạt hiệu quả phòng, chữa bệnh tốt nhất. Ngoài ra, nước pha trà hoa cúc nên là nước sạch tinh khiết đã được sử lý qua máy lọc nước để đảm bảo khử sạch các cặn bẩn, hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe và khử mùi hôi, tanh của nước máy sinh hoạt thông thường.

Hoài Nam