Thị trường Australia đang chuộng chè đen và chè xanh Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, nửa đầu năm 2021, lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam của thị trường Australia đạt 6 tấn, trị giá 74 nghìn USD, tăng 62,1% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 12.308,7 USD/ tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Australia nhập khẩu nhiều nhất là chè đen, đạt 6,6 nghìn tấn, trị giá 52,1 triệu USD, tăng 28,2% về lượng và tăng 40,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè đen nhập khẩu trong nửa đầu năm 2021 đạt 7.865,2 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020. Australia nhập khẩu chè đen chủ yếu từ thị trường Ấn Độ, Xri Lan-ca, Ba Lan, Các TVQ Ả rập Thống nhất… Chè đen nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng chè đen nhập khẩu của Australia.
Nhập khẩu chè xanh của Australia trong nửa đầu năm 2021 đạt 682 tấn, trị giá 8 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và 29,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chè xanh là chủng loại cung cấp chính của Việt Nam vào Australia trong nửa đầu năm 2021, đạt 5,5 tấn, trị giá 67 nghìn USD, tăng 137,2% về lượng và tăng 157,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam tăng thêm 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2021.
Nhìn chung, tuy chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng lượng chè nhập khẩu của Australia, nhưng có thể thấy cả chè đen và chè xanh Việt Nam đều được thị trường Australia ưa chuộng và có cơ hội để phát triển trong tương lai.
Thị trường Australia rất tiềm năng nhưng cũng vô cùng khó tính
Mặc dù dân số khá nhỏ, ở mức hơn 25 triệu dân, tuy nhiên thu nhập bình quan đầu người và GDP cũng như tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này khá cao. Australia được xem là thị trường đầy tiềm năng đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh người tiêu dùng nước này đang dần có thái độ cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, dư địa để Việt Nam hợp tác sang Australia và dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nước này rất lớn.
Chè tiêu thụ tại Australia hiện chủ yếu là nhập khẩu do điều kiện khí hậu tại Australia không trồng được chè. Năm 2021, với tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và thị trường Australia còn nhiều thách thức khó lường, nhưng Australia vẫn nhập khẩu chè chủ yếu từ Ấn Độ, Xri Lan-ca, Ba Lan, Các TVQ Ả rập Thống nhất, In-đô-nê-xi-a, chiếm 85,9% tổng lượng chè Úc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ cung cấp một lượng nhỏ chè cho thị trường Australia trong 6 tháng đầu năm 2021, chiếm 0,08% tổng lượng chè nhập khẩu của Australia, tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, còn rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Australia trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Australia hiện là đối tác của Việt Nam trong 3 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm, Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này cho phép các doanh nghiệp hai nước tin tưởng hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư.
Vì thế, để có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Australia, đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nước bạn. Bởi là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu, Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư tiềm năng nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo với các doanh nghiệp Việt rằng Australia là thị trường còn khó tính hơn cả Mỹ và EU. Australia có nhiều quy định nhập khẩu nghiêm ngặt khiến hàng hóa của Việt Nam dù có ưu đãi thuế quan cũng khó có thể tiếp cận được. Ngoài ra, người tiêu dùng Australia cũng đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các qui định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ tuân thủ các qui định này và sẽ không chấp nhận các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất chè Việt Nam vẫn được khách hàng quốc tế biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ và chất lượng xuất khẩu trung bình. Để thay đổi được hình ảnh này là một thách thức rất lớn đối với mỗi công ty sản xuất và xuất khẩu, và đối với cả ngành chè Việt.
Theo đó, để không bỏ lỡ các cơ hội xuất khẩu khẩu sang thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp chè Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề còn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cải thiện và tăng cường xuất khẩu và đầu tư sang thị trường Australia
Doanh nghiệp chè Việt Nam cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Australia cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật đã có và sẽ có trong tương lai.
Đồng thời, việc xây dựng thượng hiệu cho cả chè xuất khẩu thô và chè đóng gói của Việt Nam cũng rất quan trọng. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thô, đóng gói bao lớn, chưa có thương hiệu sản phẩm, thì các doanh nghiệp chè nên tập trung vào thương hiệu doanh nghiệp, dưới góc độ là một đối tác chuyên nghiệp, thông thạo trên thị trường quốc tế, đảm bảo được độ tin cậy và khả năng cung ứng.
Mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng dưới tác động của đại dịch Covid 19, chi phí vận tải hàng hóa xuất khẩu sang cách thị trường quốc tế nói chung, thị trường Australia nói rriêng đang tăng cao, việc xuất khẩu chè sang thị trường này cũng khiến doanh nghiệp gặp phải khó khăn. Trước tình hình trên, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan quan tâm tháo gỡ vướng mắc này, đồng thời phối hợp với các Thương vụ Việt Nam Australia và các tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến tìm kiếm thị trường, kết nối đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp chè.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hồng Anh