Dự hội nghị có ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam, Cơ quan Ngoại giao Wallonie-Bruxelles (Vương quốc Bỉ), lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo – Bộ Y tế, lãnh đạo các Sở Y tế, các Sở ban ngành tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; giảng viên các trường đại học y, dược trên toàn quốc và hơn 200 bác sĩ, nhân viên y tế tại tuyến chăm sóc ban đầu.
Mô hình Y học gia đình và chăm sóc ban đầu đóng vai trò cốt lõi của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện và liên tục cho các cá nhân và gia đình. Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình phát triển mạng lưới Y học gia đình và chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu tại Việt Nam.
Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế là đơn vị luôn đi đầu trong đổi mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chú trọng đến cam kết phục vụ cộng đồng và thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật với công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng theo mô hình Trường - Viện.
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy đổi mới trong chăm sóc y tế, tăng cường đối thoại giữa các nhà nghiên cứu, đội ngũ nhân lực tuyến chăm sóc ban đầu và các nhà hoạch định chính sách trong việc tích hợp một cách có hệ thống và liền mạch những nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng tổng thể của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong bài phát biểu tại hội nghị đã chia sẻ thêm về chủ trương của Bộ Y tế và tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường Y tế cơ sở theo nguyên lý Y học gia đình với 6 nguyên lý: chăm sóc liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - hướng gia đình - hướng cộng đồng, thay đổi vị trí và vai trò của Y tế cơ sở, từ là “tuyến dưới” trở thành “trung tâm”, với vai trò “gác cổng” là giải pháp căn cơ, bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam đánh giá cao chặng đường gần 20 năm hợp tác song phương Việt Nam và Wallonie-Bruxelles trong lĩnh vực chăm sóc ban đầu nhằm hướng đến mục tiêu xã hội hóa việc tiếp cận chăm sóc y tế chất lượng cao cho người dân. Chính phủ Wallonie-Bruxelles hoan nghênh những nỗ lực đóng góp của mạng lưới Y học gia đình, các trường đại học y dược và các Sở Y tế trong việc nhân rộng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho mô hình bác sĩ gia đình và tăng cường chất lượng chăm sóc ban đầu tại Việt Nam.
Hội nghị quốc tế về nâng cao hiệu quả mạng lưới Y học gia đình không chỉ là nơi tập hợp các chuyên gia y tế; đó là nỗ lực hợp tác nhằm định hình các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam. Bằng cách chú trọng vào những đổi mới trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu, hội nghị đã có những chia sẻ về các chiến lược thành công, giải quyết các thách thức và cùng nhau nỗ lực hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng tác liên ngành, kết nối và hoạt động hiệu quả hơn.
Trước những thách thức do bệnh không lây nhiễm hiện nay, trong khuôn khổ Hội nghị, Chương trình tăng cường hiệu quả quản lý huyết áp tại tuyến chăm sóc ban đầu cũng đã được công bố và giới thiệu đến toàn thể Hội nghị. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của các Sở Y tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hỗ trợ của OMRON Healthcare, với các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ chăm sóc ban đầu trong dự phòng, quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp, trao tặng 1.000 máy đo huyết áp điện tử cho các trạm y tế để tăng cường phát hiện sớm, dự phòng và quản lý các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế, và triển khai các giải pháp tối ưu hóa công tác quản lý bệnh tăng huyết áp dựa trên nền tảng số. Thông qua tăng cường mối quan hệ hợp tác và đồng hành cùng với Sở Y tế các tỉnh, mạng lưới Y học gia đình nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn quốc
Bùi Quốc Dũng