Ngắm cây chè cổ thụ trên dãy núi Tây Côn Lĩnh

Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi nằm trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, trải dài trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Nếu như đỉnh núi Fansipan được ví như là “nóc nhà Đông Dương” thì với độ cao lên tới 2.427m, núi Tây Côn Lĩnh được mang danh là "nóc nhà Đông Bắc”. Trên đỉnh núi có mốc trắc địa còn đi xuống dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới được bảo tồn.

Đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Mỗi mùa trong năm nơi đây lại khoác trên mình một chiếc áo mới, một diện mạo mới. Vào mùa xuân, những thửa ruộng bậc thang khoác lên mình chiếc áo xanh non mơn mởn của màu lúa. Đến mùa thu, núi Tây Côn Lĩnh lại mặc một chiếc áo vàng rực rỡ óng ả của những thửa ruộng đang tỏa hương lúa thơm nồng nàn. Tây Côn Lĩnh còn là nơi sinh trưởng của chè rừng cổ thụ đã hàng trăm năm nay. Có những loại chè quý hiếm trên thế giới, được xếp vào loại danh trà hàng năm, nổi bật là chè tiên và chè rồng. Ngoài những loại chè nổi bật, chè Shan tuyết nơi đây cũng chiếm sản lượng lớn lượng chè Shan của cả nước. Dòng Shan tuyết Tây Côn Lĩnh được đánh giá là "đỉnh chè" về cả hình thức và chất lượng.

Chè Shan tuyết được khai thác từ vùng chè cổ nổi tiếng nhất Tây Côn Lĩnh. Sinh trưởng ở độ cao trên 2000m, với những đặc điểm chủ yếu là lớp núi đá vôi, đá tai mèo, những cây chè Shan tuyết ở đây bám chặt vào núi đá, làm bạn quanh năm với mây mù, khí hậu khắc nghiệt.

Chè Shan tuyết cổ thụ trên sườn núi Tây Côn Lĩnh.
Chè Shan tuyết cổ thụ trên sườn núi Tây Côn Lĩnh.
Cây chè Shan tuyết cổ thụ núi Tây Côn Lĩnh.
Cây chè Shan tuyết cổ thụ núi Tây Côn Lĩnh.
Những cô gái bản đi hái chè Shan Tuyếttrên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh.
Những cô gái bản đi hái chè Shan Tuyết trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh.

Cây chè cổ thụ hấp thụ hết thảy những tinh hoa từ đất trời, từ những giọt sương sớm còn đọng lại trên búp trà non mơn mởn càng làm cho hương vị trà thêm đậm đà.Tuyết rơi đã làm cho những búp chè, lá chè nơi đây bị bao phủ bởi một lớp lông tuyết trắng rất đặc biệt, đó cũng là khởi nguồn của cái tên Shan tuyết - “Tuyết trên núi”.

Đây cũng là đặc điểm đặc biệt mà những giống chè trồng ở các vùng trung du và đồng bằng không thể có được. Ngửi nhẹ, có thoang thoảng hương thơm đặc trưng của chè vùng cao, mùi cốm non cùng hương hoa phảng phất. Chính vì thế, chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh đã trở thành một trong những loại chè được trân quý và "săn lùng".

Những cây chè shan tuyết cổ thụ ở Túng Sán.
Những cây chè shan tuyết cổ thụ ở Túng Sán.

Ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nằm ở chân dãy núi Tây Côn Lĩnh cao 2.428m so với mực nước biển được coi là thủ phủ của cây chè shan tuyết, nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết quanh năm mây phủ, sương mù, khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển, điều đó tạo nên loại chè Túng Sán mà hương vị đặc trưng, không ở đâu có được.

Xã Túng Sán có gần 300 ha cây chè Shan tuyết, phần lớn là cây chè cổ thụ. Theo người dân địa phương, những cây chè là cổ thụ có hơn 100 năm tuổi. Ở Túng Sán chủ yếu là đồng bào Nùng, Dao, Mông và Cờ Lao sinh sống. Bà con nơi đây vẫn giữ được phương pháp chế biến chè thủ công, từ sáng sớm khi mặt trời bắt đầu mọc là bà con đã leo lên những cây chè cổ thụ để hái những búp trà, sau đó tới trưa về sao luôn để đảm bảo búp chè không bị hỏng.

Đồng bào các dân tộc đi hái chè từ sáng sớm.
Đồng bào các dân tộc đi hái chè từ sáng sớm.
Những gốc chè shan tuyết cổ thụ một người ôm không xuể.
Những gốc chè shan tuyết cổ thụ một người ôm không xuể.
Bà con phải leo lên những cây chè cổ thụ để hái những búp trà tươi.
Bà con phải leo lên những cây chè cổ thụ để hái những búp trà tươi.
Lá chè sau khi thu hái về sẽ được rải ra các dụng cụ như mẹt, nong, nia để làm héo.
Lá chè sau khi thu hái về sẽ được rải ra các dụng cụ như mẹt, nong, nia để làm héo.

Quy trình làm trà xanh bao gồm 4 bước: đầu tiên trà sau khi thu hái về sẽ được làm héo thông qua việc trải ra các dụng cụ như mẹt, nong, nia sau đó sẽ được sao trên chảo trong thời gian từ 5-7 phút, dùng nhiệt độ để làm giảm độ chát trong búp trà, sau đó vò cho búp trà dập và xoăn lại, rồi lại tiếp tục sao, sau đó mới định hình cánh trà. Bước cuối cùng sẽ là sấy khô lấy hương cho trà. Mọi công đoạn đều thủ công hoàn toàn bằng tay từ khâu sao, vò, sấy… đều làm trên chảo gang. Tỷ lệ làm trà xanh trung bình 4-5kg búp trà tươi mới làm ra được 1kg trà khô thành phẩm.

Chè được sao trên chảo trong thời gian từ 5-7 phút, dùng nhiệt độ để làm giảm độ chát trong búp chè, sau đó vò cho búp chè dập và xoăn lại.
Chè được sao trên chảo trong thời gian từ 5-7 phút, dùng nhiệt độ để làm giảm độ chát trong búp chè, sau đó vò cho búp chè dập và xoăn lại.
Trung bình 4-5kg búp chè tươi mới làm ra được 1kg chè khô thành phẩm...
Trung bình 4-5kg búp chè tươi mới làm ra được 1kg chè khô thành phẩm...
Anh Min Sử Sảng, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Sư, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì giới thiệu sản phẩm chè Túng Sán của gia đình với du khách.
Anh Min Sử Sảng, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Sư, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì giới thiệu sản phẩm chè Túng Sán của gia đình với du khách.
Với hơn 200 ha chè đang cho thu hoạch, Túng Sán là nơi có vùng nguyên liệu chè đầy tiềm năng.
Với hơn 200 ha chè đang cho thu hoạch, Túng Sán là nơi có vùng nguyên liệu chè đầy tiềm năng.

PHI LONG