Ngành ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài và cả trong nước. Việc FED tăng lãi suất mạn đã khiến chỉ số DXY leo lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, tạo ra áp lực giảm giá đối với hầu hết các đồng tiền trên thế giới trong vài tháng gần đây và VND không phải là ngoại lệ.
Cùng với việc bán USD để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ giao dịch VND (từ 3% lên 5%) và tăng lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp, thêm 100 điểm cơ bản trong vòng 1 tháng vừa qua. Việc lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản đã tác động trực tiếp đến lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn và các ngân hàng đều đã phải tăng lãi suất huy động với tốc độ tương tự như vậy.
Tuy nhiên, khối phân tích của Chứng khoán VnDriect nhận thấy lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do NHNN đã và đang yêu cầu các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc tăng lãi suất mạnh mẽ nói trên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng với chi phí vốn cao hơn.
Đơn vị phân tích đánh giá, mọi thứ sẽ trở nên “nhẹ nhàng” hơn chỉ khi áp lực từ đồng USD giảm bớt. Hiện tại, FED dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa trong hai tháng cuối năm nay; do đó, căng thẳng này có thể còn kéo dài đến ít nhất là hết nửa đầu năm 2023. Rủi ro chất lượng tài sản suy yếu hiện là một vấn đề khác rất đáng lưu ý đó do rủi ro “đứt gãy thanh khoản” giữa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này có thể ảnh hưởng lên chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với chi phí lãi vay cao hơn (do đồng USD mạnh lên và lãi suất VND cao hơn), điều này làm giảm khả năng sinh lời và gia tăng áp lực nợ vay. Mặt khác, thị trường vốn Việt Nam đang bị cản trở khi tín dụng từ ngân hàng hạn hẹp và việc phát hành TPDN bị siết chặt; do đó nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cân đủ nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và gánh nặng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp có thể tác động xấu lên chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023 trở đi.
Do chính sách tiền tệ bị thắt chặt và những bất ổn vĩ mô, ngành ngân hàng trong năm 2023-24 sẽ gặp nhiều trở ngại hơn liên quan đến tăng trưởng tín dụng chậm lại, áp lực hy sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp) và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.
Trong quý III/2022 vừa qua, ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh 70,6% so với cùng kỳ năm trước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 11,1% sv đầu năm tính đến cuối Q3/22, trong đó cho vay bán lẻ vẫn là động lực chính (+15% sv đầu tháng; chiếm 65% dư nợ cho vay). Đáng chú ý, nhờ bộ đệm dự phòng dày (LLR ~ 138% cuối Q3/22), ACB đã có ít áp lực hơn trong việc “củng cố hệ thống phòng thủ” trong năm nay, khi chi phí dự phòng trong kỳ giảm 89% svck. Lũy kế 9 tháng ghi nhận lợi nhuận đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.
ACB được biết đến là một ngân hàng với chiến lược “thận trọng” khi không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong danh mục tín dụng và tỷ lệ cho vay bất động sản không đáng kể. Do đó, ít nhất ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường TPDN và bất động sản. Tuy nhiên, tăng trưởng LN ròng sẽ chậm lại trong năm 2023-24 do những rào tăng trưởng cho vay chậm lại; NIM thu hẹp; tăng trích lập dự phòng để đề phòng rủi ro nợ xấu.
Đơn vị phân tích kỳ vọng lợi nhuận ròng của ACB sẽ đạt tăng trưởng trung bình 10% trong giai đoạn 2023-2024 (tăng trưởng kép năm 2019-2021 là 26%).