Theo đó, số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây cho thấy, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm 1,12%, trái ngược hoàn toàn so với mức tăng đến 31% của cả năm 2022. Vì sao con số này lại quan trọng, bởi nhu cầu cho vay mua nhà đất chiếm tới 65% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Còn lại, vốn cho kinh doanh bất động sản.
Điểm trái ngược là nguồn vốn cho kinh doanh bất động sản vẫn tăng trên 17%, cho thấy nguồn vốn đang tập trung vào phía cung, thiếu phía cầu.
Để kích thích nhu cầu vay mua nhà, các ngân hàng cũng giảm lãi suất từ 1 - 3%/năm so với năm ngoái. Ngân hàng PVcomBank dành đến 15.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi. Riêng với người mua nhà, họ cũng đưa ra nhiều phương án trả nợ khác nhau, cho phép ân hạn nợ gốc, để người dân có thể giảm bớt áp lực trả nợ trong giai đoạn đầu mua nhà, thời gian vay kéo dài tới 25 năm.
Mức lãi suất 6 tháng đầu là 9%, hoặc 12 tháng đầu là 10%. Ngoài ra cũng có chính sách miễn phí trả nợ trước hạn sau 3 - 4 năm, lúc đó sẽ có nhiều lựa chọn hơn, phù hợp với thu nhập, cũng như dòng tiền của mỗi gia đình.
Hiện các ngân hàng đang cho vay với hạn mức lớn, từ 70 - 80% giá trị căn nhà. Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý, vay mua nhà thường là các khoản vay dài hạn. Vì vậy, người dân nên cân nhắc tổng thể tình hình tài chính gia đình với món vay để có thể chi trả nợ trong khoảng thời gian dài.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Đông chia sẻ, tín dụng đang tập trung hoàn toàn vào nguồn cung bất động sản. Các dự án tiếp tục cần nhu cầu sử dụng vốn để triển khai đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên phía người tiêu dùng có sự giảm về tổng dư nợ.
"Hiện nay nguồn tiền người mua nhà đang trả nợ vào hệ thống ngân hàng cao hơn nguồn vay mới, do chủ đầu tư chưa cung ứng được hàng hóa mới ra thị trường để thị trường hấp thụ, dẫn đến dòng tiền trả nợ ổn định của của người mua nhà suy giảm hàng năm và theo từng quý. Nguồn cung chưa có để hấp thụ sản phẩm mới. Tâm lý của người mua là đang muốn tích cực trả nợ để giảm dư nợ xuống và tránh rủi ro về chính vốn của họ. Khi người ta muốn trả nợ sớm và không vay lại nữa thì đó là áp lực khiến tăng trưởng vay tiêu dùng âm trong thời gian vừa qua" - ông Tuấn cho hay.
Đầu tháng 9, người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn ngân hàng khác. Với quy định này. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau để đưa ra bài toán lãi suất về các ưu đãi trong khoản vay, tiết giảm các chi phí trong khoản vay để kích kích thích nhu cầu vay vốn của người dân và lãi suất sẽ giảm. Khi đạt được điểm cân bằng giữa cung vốn và cầu vốn, mức lãi suất sẽ ổn định và sẽ kích thích theo sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản đến cuối tháng 6 đã tăng 4,7%, nhưng trong đó, cho vay người mua nhà ở thực mới tăng 0,88%, vì vậy vẫn cần nhiều hơn những hỗ trợ mới có thể kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.
Tiến Hoàng