Ngày Vía Thần Tài năm Qúy Mão: Suy ngẫm về giàu, nghèo và khởi nghiệp

Ba quan tưởng đã là giàu - một cơn nhức đầu hết sáu mươi quan. Xưa nay giàu và nghèo chỉ là một khoảng cách rất nhỏ. Đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ đều thay đổi thần tốc, cực kỳ nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng của con người. Bây giờ, phút này đang là nhà doanh nghiệp nghìn tỷ phú, chỉ thoáng chốc một phút sau đã phá sản, trở thành kẻ ăn mày “trắng tay” sau một chữ ký sai lầm…

Ngày Vía Thần Tài năm Qúy Mão: Suy ngẫm về giàu, nghèo và khởi nghiệp - Ảnh 1

Dĩ nhiên, kẻ ăn mày thời hiện đại vẫn có người còn đi xe ô tô loại sang, xách máy tính, dùng điện thoại đắt tiền, vì sau “thoáng chốc” choáng váng đã nhanh chóng bình tĩnh, lấy lại niềm tin ở chính mình. Ở đời “bẩy lần ngã phải tám lần đứng dậy”.

Mất tiền coi như không mất gì vì “chí còn đây, sức lực hãy còn đây. Mất tình là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả”. Ta sẽ đứng dậy, Ta sẽ làm lại – Không có gì là không thể. Điều cốt yếu là quyết tâm thực hiện bốn điều đi huấn của cụ Nguyễn Trãi: Khó bền, Mạnh gắng, Khôn ngay, Khéo đầy.

Khó đấy song “Quyết chí, ắt làm nên”. Trên đời cũng có người qua một ngày đã trở nên giàu có. Ấy là cơ hội, Thần may mắn gõ cửa. Ấy là “Một người được mấy mùa Xuân. Một đời ai dễ mấy lần gặp may”. Có đấy, nhưng mà ít. Phải nhạy bén và không được bỏ qua vì cơ hội, vận may gõ cửa rất nhẹ và qua đi rất nhanh, cần phải lắng nghe tinh tường để kịp thời nắm bắt và tận dụng.

Xưa nay, có người giàu vật chất, tiền bạc, đồng thời còn giàu về tinh thần, văn hóa. Song cũng không ít người giàu chỉ đơn thuần là một trọc phú, là “con Lừa cõng tiền” không có ích gì cho xã hội vì tiền của họ là những đồng tiền “chết”, đồng tiền không lưu thông, không sinh sôi nảy nở. Cần lưu ý đồng tiền là “vật ngoại thân”. Lúc sinh không mang đến, lúc chết không mang đi, do vậy cần ứng xử với nó một cách khoa học, hợp pháp, hợp lý, hợp tình và có hiệu quả. Đồng tiền còn là thước đo giá trị sức lao động quá khứ kết tinh và giá trị sức lao động hiện tại, bởi vậy mới có một câu chuyện một kỹ sư thời Nga hoàng (nước Nga) là Ivanovich đã được Vua Nga Ivan Đại Đế triệu vào cung để sửa một chiếc máy quý do Vua nước Anh trao tặng. Sau một thời gian vận hành tốt thì nay đã bị sự cố, máy không làm việc được nữa.

Sau hai ngày tháo rời chiếc máy để xem xét, nghiên cứu, Ivan đã quyết định sửa máy và ông lấy búa gõ mạnh mấy lần vào các chi tiết máy, rồi tâu với Vua Nga:

Muôn tâu Bệ hạ, Thần đã sửa máy xong và hiện nay đã vận hành tốt.

Ivan hỏi:

Nhà ngươi đòi tiền công sửa máy bao nhiêu?

Kính thưa Bệ hạ 5 ngàn Rúp.

Nhiều thế, Ngươi biết là 35 Rúp bằng một lạng vàng. Nhà ngươi chỉ mất công gõ búa mấy cái mà lại tính công hơn một trăm lạng vàng, giá này là giá trên trời!

Muôn tâu, để có được ba lần gõ búa hôm nay, kẻ hạ thần đã mất 30 năm khổ công học tập, thực nghiệm. Bởi thế phải cộng với 30 năm của thần nên đây là giá “phải chăng” không đắt mà là thấp vì còn chưa đề cập đến những giáo trình, những kiến thức thần được học là kết tinh công sức của bao nhiêu người đi trước, đổ mồ hôi, nước mắt kể cả máu để có được những tài liệu khoa học mà thần được học.

Sau phút yên lặng để tĩnh tâm suy nghĩ, Nhà Vua phán:

“Ta đã hiểu, nhà ngươi xuống kho bạc để lĩnh tiền, hơn thế nữa Ta còn tặng nhà ngươi học vị Tiến sĩ danh dự và học hàm giáo sư do Trường Đại học Xanhpetecbua cấp. Dĩ nhiên nhà ngươi phải bỏ một phần thời gian để đến trường giảng dạy khi được nhà trường thỉnh giảng”.

Tạm biệt nhà Vua, Ivanovich trở về quê nhà và Ông quyết định giành toàn bộ số tiền để ủng hộ quỹ “vì người ngèo” ở quê hương. Lòng vui và thanh thản vì đã làm được một việc giàu ý nghĩa “Đồng tiền đâu chỉ là tiền – Ngẫm hay mới thấy trong tiền có tâm”, và Ông đã làm được một việc để tri ân nước Nga thân yêu mặc dù đây chỉ là một phần trong muôn phần mà Tổ quốc đã sinh ra và nuôi dưỡng để ông có được hôm nay.

Qua từng trải và chiêm nghiệm thực tiễn, Ivanovich đã thấy về khái niệm và nội hàm của giàu và nghèo thì phương Tây và phương Đông về cơ bản là giống nhau chỉ khác nhau về tiểu tiết và cách ứng xử.

Khi đề cập đến giàu và nghèo cổ nhân thường viện tới ba câu sau nhằm khẳng định bản lĩnh con người:

Phú quý bất năng dâm

Bần tiện bất năng di

Uy vũ bất năng khuất

Về phương diện tinh thần, tư tưởng những câu trên như một phương châm sống làm con người vững vàng ổn định, góp phần làm xã hội vững vàng ổn định. Song “Bần tiện bất năng di” (nghèo khó không thay đổi, thì có chiều hướng bảo thủ, không tự vận động để tiến lên)

Để nói nhân tình thế thái còn có câu:

Phú quý đa nhân hội

Bần tiện thân thích ly

Giàu sang thì nhiều người đến. Nghèo túng thì cả họ nội và họ ngoại đều xa rời vì người ta sợ phải giúp đỡ người nghèo túng, sợ bị vay mượn… Nhân tình thế thái tệ như vậy, ấy cũng là do tác động của đồng tiền.

Jonoat có biệt danh là “nhà tỷ phú đô la”. Một thanh niên người Mỹ lúc bắt đầu khởi nghiệp, trong túi chỉ có đúng một đô la, anh chỉ đủ mua một ít muối và kim chỉ.

Anh đã vượt qua mọi gian khổ, trèo đèo lội suối mang những chuyến hàng nhỏ nhoi lên miền sơn cước để bán, thu về một chút tiền lời nhỏ nhoi. Sau một thời gian khá dài anh đã có được một số vốn để đầu tư vào những mặt hàng có giá trị lớn hơn để làm giàu.

Song cuộc đời đâu có trải thảm hoa để anh bước tới, số là anh tham gia làm cổ đông tại một công ty còn có luật rất khắc nghiệt là nếu công ty bị phá sản thì tất cả tài sản của anh bị thu hết do đó công ty có tên là “Công ty trách nhiệm vô hạn”. Sau một thời gian người ta thấy nó quá khắc nghiệt hiểm nghèo do đó mới thay đổi luật. Nếu công ty phá sản thì các cổ đông chỉ mất số cổ phần bỏ vốn vào công ty, do đó mới có mô hình “Công ty trách nhiệm hữu hạn” như ngày nay.

Bài học rút ra ở đây là muốn khởi nghiệp, làm giàu được thì điều kiện tiên quyết là phải có chí và có khát vọng và “Chí” phải đủ vững, đủ để thực hiện được khát vọng lớn, biến khát vọng thành hiện thực, không phải cơ hội khởi nghiệp làm giàu lúc nào cũng có sẵn, hãy dũng cảm là người đầu tiên nắm lấy ngay khi nó đến với ta.

Thậm chí, nhiều khi phải tự tạo ra cơ hội. Người giàu là người biết nắm lấy cơ hội và bền bỉ thực hiện nó. Người rất giàu thường là người đầu tiên biết nắm lấy cơ hội đồng thời luôn tạo ra những cơ hội nhỏ trong cơ hội lớn và hoàn thành nó một cách tốt nhất. Trong quá trình thực hiện và hoàn thành cơ hội phải có niềm tin mãnh liệt.

Ở vào thời điểm cách nay hàng trăm năm, tình hình có khác ngày nay nếu có kỹ thuật khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp thì với số vốn ít ỏi sẽ có thể tiến từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn hơn.

Vào giai đoạn hiện tại, trên thế giới có hàng triệu công ty nhỏ và siêu nhỏ, vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường, có cạnh tranh, thậm chí siêu cạnh tranh. Vô vàn công ty siêu nhỏ, mặt bằng chỉ vài mét vuông, nhân sự chỉ có hai người với số vốn khá nhỏ, theo đúng quy định của luật thì sẽ được chấp nhận cấp phép, có tư cách pháp nhân. Song để sống sót, tồn tại và phát triển được, đòi hỏi phải có con người phù hợp với bối cảnh của thời đại.

Đặc biệt là thời đại siêu công nghiệp, khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ tiến triển như vũ bão, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Tiền bạc, của cải vật chất ngày càng nhiều theo cấp số nhân, cái gì cũng chỉ là tạm thời, cái gì cũng thay đổi theo cấp độ “phi mã” kể cả việc in tiền và phát hành tiền cũng phải theo quy luật.

Có những quốc gia, đồng tiền chỉ có một màu, một khổ với bất cứ mệnh giá nào như vậy sẽ có lợi về phương diện kinh tế (như đồng đô la Mỹ chẳng hạn). Người thị lực yếu hoặc khiếm thị thì không thể sờ mó mà biết đồng bạc có mệnh giá bao nhiêu. Người bình thường trước khi đầu tư tiêu tiền cũng phải suy nghĩ và khai nhãn để nhìn cho kỹ để xác định mệnh giá đúng, không bị nhầm lẫn, không bị hiệu quả thấp.

Có thể có quốc gia và vùng lãnh thổ, dân chưa giàu nhưng nước lại mạnh. Ngược lại có những xứ sở dân rất giàu nhưng nước lại không mạnh. Để “hài hòa” dân giàu, nước mạnh thì người ta có những chính sách về mặt vĩ mô và vi mô phát huy tác dụng để giảm nghèo và phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý để đạt tới tối ưu. Thực hiện “dân giàu nước mạnh” theo đúng quy luật cân bằng và cân đối.

Làm giàu phải chính đáng, hợp pháp, bảo vệ được thanh danh của bản thân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm ký 2021-2026 “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Như vậy mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ đều là những xứ sở hạnh phúc, đáng sống!

Tiến Khải

Từ khóa: