Theo thông tin từ lực lượng Kiểm lâm địa phương thì con voi này đã chết khoảng cách đây 1 tháng, thịt của nó đã phân hủy nặng, bốc mùi… Đây là một cá thể voi mẹ khoảng 70 năm tuổi.
Thời gian qua, trên địa bàn rừng Quỳ Châu còn tồn tại hai cá thể voi là mẹ con, cả hai đều là giống cái. Trước đây, ở khu rừng này có một đàn voi nhưng đã bị sát hại chỉ còn sót lại cặp mẹ con này.
Hai cá thể voi này thời gian qua liên tục xuất hiện gần nhà dân ở xã Châu Phong như để tìm kiếm thức ăn. Người dân và lực lượng chức năng nhiều lần xua đuổi để hai cá thể voi vào rừng sâu. Được biết, con voi mẹ bị hỏng một mắt và giờ thì bị phát hiện đã chết.
Theo thống kê, Nghệ An hiện có 5 đàn voi, với khoảng 16 con, lớn thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Trong đó, có 3 đàn voi đơn lẻ, không có khả năng phát triển. Ngoài 2 mẹ con voi rừng ở huyện Quỳ Châu (nay chỉ còn 1) còn có 1 con voi cái sinh sống ở những cánh rừng tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn (Quỳ Hợp) và 1 con voi cái ở các xã Châu Khê (huyện Con Cuông).
Còn 1 đàn voi khoảng 4 con, song những năm gần đây không còn được ghi nhận, rất nhiều khả năng nó đã “di cư” sang Lào. Đó là đàn voi sinh sống trong Vườn Quốc gia Pù Mát, gần biên giới Việt - Lào. Đàn lớn nhất với 8 con voi hiện vẫn đang sinh sống ở vùng đệm vườn Quốc gia Pù Mát. Đàn voi này thường xuyên xuất hiện và quậy phá ở khu vực bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn).
Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 - 2000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 - 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An) còn 13 - 16 cá thể; VQG Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp La Ngà (tỉnh Đồng Nai) còn 14 cá thể và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) còn khoảng 80 - 100 cá thể.
Diễm Phước