Hành trình đưa gốm sứ ra thế giới
Bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời tại Bát Tràng. Năm 1989, sau khi đã tích lũy đầy đủ cả về kinh nghiệm lẫn vốn liếng, bà Vinh quyết định thành lập công ty gốm sứ của riêng mình lấy tên là Tổ hợp Gốm sứ mỹ nghệ Xuất khẩu Mỹ Hạnh. Đến năm 1994, khi cơ chế chính sách có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, Tổ hợp Mỹ Hạnh giải thể để Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh (Công ty Quang Vinh) ra đời.
Từ một tổ hợp gồm 6 thành viên ban đầu, đến nay Công ty Quang Vinh đã có 2 nhà máy sản xuất gốm sứ với trên 700 lao động, riêng cơ sở sản xuất tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) đã được mở rộng trên diện tích 30.000m2.
Trước đây, làng nghề Bát Tràng bị đánh giá là một trong những điểm ô nhiễm nặng của Hà Nội về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra. Chưa kể, việc nung đốt bằng than và củi thủ công khiến sản phẩm bị bám nhiều bụi bẩn, chất lượng không cao. Do đó, đầu những năm 2000, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tại Bát Tràng nói chung và Quang Vinh nói riêng bị mất dần.
"Trong tình thế khó khăn này, tôi đã đi rất nhiều nước trong khu vực để tìm hiểu về công nghệ thì thấy họ đã bỏ xa mình. Lúc này, tôi biết Bát Tràng cần phải thay đổi để vừa bảo vệ môi trường làm nghề vừa nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Vinh chia sẻ.
Bà Vinh cùng các thành viên trong công ty đã đưa ra giải pháp thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao. Và chiếc lò nung gas đầu tiên đã được Công ty Quang Vinh nhập về từ Đài Loan (Trung Quốc) để phục vụ cho sản xuất.
Chưa dừng lại, năm 2002, hệ thống lò gas con thoi mới áp dụng theo công nghệ Đức được bà đưa vào sản xuất. Từ một lò gas 4m3 Công ty Quang Vinh đã có lò 6m3 và 22m3, đáp ứng cho hàng trăm công nhân có công việc ổn định và làm việc trong môi trường sạch.
Sau khi tạo nên bước đột phá trong công nghệ, bà Vinh tiếp tục đưa ra các chiến lược nhằm đưa gốm sứ của Việt Nam tiếp cận gần hơn với không chỉ thị trường trong khu vực mà còn cả thế giới. Bà đã tham gia các hội chợ quốc tế, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hợp tác với các họa sỹ, chuyên gia nước ngoài để nâng cao mẫu mã sản phẩm. Đến nay, bà Vinh đã đưa thương hiệu Quang Vinh Ceramic phát triển vượt xa kỳ vọng, có mặt ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu (EU)…
Người chuyển giao thế hệ
Ngoài trách nhiệm là người đứng đầu của Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, bà Vinh còn đóng vai trò là người chuyển giao thế hệ, tiếp lửa cho con cháu nối nghiệp cha ông.
"Tôi rất mừng vì đã chuyển giao được nghề cho thế hệ sau khi cả 3 người con đều theo định hướng của mẹ", bà Vinh kể.
Hiện người con trai cả của bà đang là Giám đốc điều hành Công ty Gốm sứ mỹ nghệ Xuất khẩu Minh Long tại Bát Tràng. Con gái thứ 2 đã tốt nghiệp cao học chuyên ngành Quản lý quốc tế tại Anh và đang tham gia điều hành Công ty Quang Vinh với chức vụ Phó Giám đốc kinh doanh. Người con trai út của bà Vinh cũng đã tốt nghiệp Trường Đại học gốm sứ Trung Hoa tại Giang Tây (Trung Quốc). Sau khi trở về nước, anh phụ trách kỹ thuật với chức vụ Phó Giám đốc Công ty.
Bà Vinh thường dặn dò các con, sinh ra trong làng nghề là đã có duyên nên phải tâm huyết và sống chết với nghề: “Người làm nghề phải biết thổi hồn vào đất, gửi được hồn mình vào từng sản phẩm thì mới thành công".
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt - Nơi viết tiếp lịch sử
Lấy cảm hứng từ hình dạng chiếc lò nung gốm truyền thống, quần thể kiến trúc Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt được xây dựng trên mảnh đất hơn 3000 m2, một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải.
Bà Vinh cho biết, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt là ước mơ, khát khao từ hồi còn trẻ. Là bài toán mà bà dùng cả cuộc đời để tìm ra đáp án. Công trình này sẽ là một bảo tàng sống động cho các làng nghề Việt Nam.
Trung tâm không chỉ là nơi diễn tả lại lịch sử làng gốm mà còn là sân chơi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ với trại sáng tác, khu đổi mới sáng tạo, khu trưng bày sản phẩm đến từ các tỉnh trên khắp cả nước.
Đặc biệt, để phục vụ cho mục đích xúc tiến thương mại, 50 gian hàng sẽ được thành lập để cho các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP - Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, “mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Bà Vinh cho biết: “Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt đi liền với câu chuyện xúc tiến thương mại, chúng tôi có các gian hàng quy mô, phục vụ cho hoạt động thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đặc trưng nhất của làng nghề Hà Nội. Chúng tôi mời những nghệ nhân, thợ giỏi nhất của Bát Tràng tham gia, dành khoảng 300m2 để mời các sản phẩm OCOP từ các tỉnh…Từ đó, chúng ta sẽ biết được thị trường cần gì để định vị lại sản xuất của mình”.
Bên cạnh đó, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch về Bát Tràng. “Chúng tôi muốn du khách được thăm nhà các nghệ nhân và nghe họ kể về một làng nghề có tuổi đời hàng nghìn năm, về những lò gốm chưa bao giờ tắt lửa”, bà Vinh trải lòng.
Thanh Phong - Đức Giang