Chiều ngày 23/12, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) phối hợp cùng Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam (VGJA) tổ chức chương trình tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với chủ đề “Vinh quang trí tuệ bàn tay vàng – Tự hào thương hiệu Việt Nam” tại Cung trí thức thành phố Hà Nội.
Theo đó, ngày 20/12/1989, Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 370 CT-HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
Vượt qua bao khó khăn, thách thức, đến nay Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời bảo tồn và phát triển ngành nghề mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý Việt Nam được thành lập, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển vẻ vang của Hội trong suốt thời gian qua, đồng thời ghi nhận và tỏ lòng tri ân sâu sắc đến với Hội viên cá nhân, tập thể cùng quý vị đại biểu, Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam phối hợp cùng Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tổ chức chương trình tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với chủ đề “Vinh quang trí tuệ bàn tay vàng – Tự hào thương hiệu Việt Nam”.
Phát biểu tại chương trình tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với chủ đề “Vinh quang trí tuệ bàn tay vàng – Tự hào thương hiệu Việt Nam”, Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam khẳng định: Nhìn lại chặng đường xây dựng và trưởng thành của Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam, có thể nói các hoạt động của Hội đều tuân thủ pháp luật và Điều lệ Hội, đúng tôn chỉ, mục đích ban đầu để ra; Ban Lãnh đạo Hội luôn có sự thống nhất điều phối hoạt động; Khuyến khích sự năng động, tích cực của các đơn vị, cá nhân; Trách nhiệm của tập thể và cá nhân luôn cụ thể, rõ ràng; Lợi ích gắn với sự đóng góp, kết quả công việc, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong hệ thống các cấp Hội từ Trung ương tới tỉnh, thành hội trong cả nước…
Trong khuôn khổ chương trình, BTC cũng đã giới thiệu về cuộc thi thiết kế sản phẩm mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý Việt Nam 2023. Cuộc thi là dịp để các Nghệ nhân thiết kế các bộ sản phẩm nhằm nâng cao tay nghề, trao đổi nghiệp vụ. Làm cơ sở để xét cấp giấy chứng nhận Nghệ nhân của Hội như: Nghệ nhân Bàn tay vàng, Nghệ nhân Quốc gia là cơ sở đó để nghệ nhân tham gia giải thưởng Nhà nước (Nghệ nhân Ưu Tú, Nghệ nhân Nhân dân).
Nghệ nhân Bùi Đức Thịnh vinh dự được nhận chứng nhận Nghệ nhân Quốc gia đợt này.
Chia sẻ với PV, Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh bày tỏ niềm vui khi được đông đảo mọi người biết đến và ghi nhận những đóng góp của mình với mỹ nghệ nói chung và các dòng sản phẩm gốm nói riêng.
Chia sẻ thêm về nghề về những định hướng trong thời gian tới, Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh cho biết: "Tôi nghĩ thực tiễn nhất chính là việc truyền đạt những cái mình biết, mình đã được học, đã được trải nghiệm cho thế hệ trẻ. Tôi nghĩ cái đó chính là thực tế nhất để tạo cho thế hệ tương lai, cho làng nghề phát triển. Bản thân tôi cũng đã từng dạy rất nhiều học trò đến bây giờ họ cũng đã có những đóng góp rất tốt cho làng nghề Bát Tràng".
"Tôi nghĩ rằng, những cái thực tế nhất chính là sự đào tạo. Ở các nước từ Châu Âu cho đến Trung Quốc, đào tạo rất tốt, chúng ta cần phải học tập thì Việt Nam nói chung và Bát Tràng nói riêng sẽ có những người làm nghề có chất lượng, làm ra những sản phẩm tốt". Nghệ nhân Thịnh bày tỏ thêm.
Cũng theo Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh, trong quá trình hoạt động sản xuất của mình, bản thân luôn tìm về vốn văn hóa cổ, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì thế, các sản phẩm của lò gốm Đức Thịnh luôn thân thiện với môi trường, với các nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam với chất lượng tốt. Các sản phẩm làm ra vừa mang lại giá trị sử dụng và tốt cho sức khỏe của người dùng.
Theo Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh, trước đây ông có một cơ duyên khi làm một tác phẩm đặt tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan đến cây tre và được mọi người đánh giá cao. Và từ đó đến nay, Nghệ nhân Bùi Đức Thịnh khai thác chủ đề cây tre Việt Nam trên các dòng sản phẩm của mình. Đến nay, các sản phẩm của nghệ nhân Thịnh được nhiều người biết đến.
Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Tre, trúc thường được ví như 1 quân tử mạnh mẽ và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Tre được coi là mang đến sự may mắn và vững chắc trong phong thủy. Ngoài ra, tre được tin tưởng là mang lại sức khỏe, hạnh phúc và tình yêu lẫn thịnh vượng. Vì thế, Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho các sản phẩm gắn với biểu tượng tre.
Một số hình ảnh sản phẩm thủ công có hình cây tre của Nghệ nhân Quốc gia Bùi Đức Thịnh: