Bắt đầu từ tình yêu với các loài hoa, cùng với đam mê nghiên cứu để tạo ra những phẩm trà ướp Sen cổ Tây Hồ, nghiệp trà như đã ngấm vào tâm hồn của Nghệ nhân quốc gia Hà Trần từ khi còn nhỏ. Sinh năm 1981 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội - một vùng đất yên bình nổi danh với những cánh đồng lúa trĩu bông và đầm sen thơm ngát, chị lớn lên giữa bầu không khí ngập tràn sắc xanh của thiên nhiên và văn hóa trà độc đáo.
Ngay từ thuở nhỏ, chị Hà đã được sống trong những câu chuyện kể đậm chất thơ về nghệ thuật thưởng trà và những nghi thức truyền thống xung quanh trà ướp hương hoa sen - thứ di sản văn hóa đã trở thành một phần không thể tách rời trong tâm hồn người Việt. Những ngày hè chói chang, cô bé ấy thường lon ton theo chân bà Nội (người gốc Hà Thành Thăng Long xưa) ra đầm sen, nơi hương thơm thanh khiết như ru ngủ mọi giác quan. Hình ảnh người bà tỉ mỉ chọn từng bông sen bách diệp, nâng niu từng cánh hoa mềm mại để chế tác nên những mẻ trà tinh túy đã ghi khắc sâu trong tâm trí chị, gieo mầm cho một tình yêu lớn lao với trà sen Việt.
“Tôi học cách nhìn ra linh hồn trong từng nguyên liệu, từ bà Nội” chị Hà nhớ lại với ánh mắt bồi hồi. “Người nghệ nhân trà không chỉ pha trà hay thưởng trà, mà họ còn kết nối giữa thiên nhiên, đất và người. Khi trà gặp hương sen, đó là một giao thoa hoà quyện linh khí gữa đất trời hợp lại”, chị Hà chia sẻ. Chính những khoảnh khắc đắm chìm trong hương sen ấy đã gieo vào tâm hồn chị một khát vọng “gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa trà truyền thống”, để những giá trị tinh túy này trường tồn với thời gian.
Trước những thách thức ngày càng lớn đối với nghề ướp trà sen truyền thống ở Tây Hồ, nghệ nhân Hà Trần không khỏi trăn trở. Những bông sen bách diệp - loài sen quý nhất Việt Nam, vốn là linh hồn của nghệ thuật ướp trà, nay đang dần trở nên khan hiếm. Loài sen này, với vẻ đẹp thanh tao và hương thơm tinh khiết, chỉ có thể sinh trưởng trong môi trường nước sạch, nơi khí hậu thuận hòa và đất trời giao thoa. Tuy nhiên, sự ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến những hồ sen cổ xưa dần mai một.
Lo lắng trước nguy cơ mai một của nghề ướp trà sen, chị Thu Hà đã đưa ra một quyết định khi mang giống sen cổ Tây Hồ trồng tại Sóc Sơn, chị xác định được lợi thế, điều kiện phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, một ngày có đủ bốn mùa, mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn chị từ thuở thơ ấu. Sóc Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi từng được coi là điểm hội tụ linh khí của trời đất, trở thành lựa chọn hoàn hảo cho khát vọng lớn lao của chị “hồi sinh” loài sen bách diệp cổ truyền và thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật trà Việt.
Tại đây, chị Hà đã hỗ trợ cho những người dân không có việc làm, để cùng nhau tìm vùng trũng để trồng sen theo hướng thuận tự nhiên , chị cùng với đội ngũ của mình chọn lọc và nhân giống loài sen bách diệp thuần chủng, vốn nổi tiếng với cánh hoa dày, nhụy trắng ngần và hương thơm thanh tao khó loại sen lai nào sánh bằng. Qua quá trình chăm sóc kỹ lưỡng, những hồ sen tại Sóc Sơn dần khoác lên mình vẻ đẹp rực rỡ, bừng nở những bông sen đạt chất lượng gần như tuyệt đối. Các kiểm định cho thấy, sen bách diệp tại đây giữ được đến 98% đặc tính nguyên bản của sen cổ Tây Hồ - từ kích thước bông lớn, màu sắc kiêu sa cho đến hương thơm dịu nhẹ nhưng đầy cuốn hút.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp và môi trường đã nhấn mạnh: “Không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được sen cổ, nhưng việc phục hồi môi trường sinh thái cho sen là một nhiệm vụ cần thiết.” Nghệ nhân Hà Trần đã kết hợp với các chuyên gia và chính quyền địa phương cải tạo đất, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên vốn quý của Tây Hồ, biến nơi đây trở thành một biểu tượng di sản văn hóa và thiên nhiên bền vững.
Trà Sen không chỉ cầu kỳ từ bước chọn hoa, mà còn kỹ lưỡng trong bước chọn trà, Trà Sen Phù Đổng sử dụng trà xanh đặc sản được trồng ngay tại chân núi Tam Đảo - vùng đất quanh năm mát mẻ, được bao phủ bởi mây mù, giúp trà nơi đây có hương vị đậm đà, độc đáo. Những loại trà này bao gồm tôm nõn, trà đinh và trà móc câu, tất cả đều được chế biến từ những búp trà tươi ngon nhất, thu hái thủ công vào vụ đông - thời điểm mà trà đạt chất lượng tốt nhất. Trà phải đảm bảo độ sạch và giữ được vị thuần khiết tự nhiên để khi kết hợp với hương sen sẽ đạt đến sự hòa quyện hoàn hảo, tạo nên chén trà vừa thơm ngát vừa đậm hậu ngọt thanh.
Và từ những búp sen ấy những loại trà ấy, đã tạo nên những mẻ trà sen tuyệt phẩm, kết tinh từ hai phương pháp ướp trà truyền thống: ướp bằng gạo sen và ướp xổi trong búp sen tươi. Để làm ra một gói trà sen thơm ngát, nghệ nhân Hà Trần không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải gửi cả tâm huyết, sự tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn vào từng công đoạn.
Với cách ướp bằng gạo sen, mọi thứ bắt đầu từ những buổi sáng sớm tinh mơ, khi những hạt sương đọng trên cánh sen vẫn còn long lanh như ngọc. Chị Hà và mọi người đã cẩn thận chọn những bông sen chớm nở, bởi chỉ khi ấy, gạo sen - phần nhỏ li ti màu trắng đục nằm ẩn mình trong nhị hoa, mới lưu giữ được trọn vẹn tinh túy của hương trời đất. Sen sau khi hái được nhẹ nhàng tách cánh, để lộ ra những hạt gạo sen thơm ngát. Công đoạn tách gạo này hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự khéo léo để không làm tổn hại đến những túi hương quý giá.
Sau khi gạo sen đã sẵn sàng, trà tôm nõn hoặc trà đinh sẽ được ướp xen kẽ với từng lớp gạo sen. Một lớp trà, một lớp gạo, cứ thế đan xen, rồi tất cả được phủ kín bằng lá sen thơm mát, ủ qua đêm trong những chiếc thúng lớn. Sáng hôm sau, sàng bỏ lớp gạo sen cũ, thay bằng lớp gạo sen mới, tiếp tục ủ thêm một đêm nữa. Quy trình này được lặp đi lặp lại bảy lần, mỗi lần như vậy, hương sen thấm đẫm vào từng cánh trà, kết tinh thành mùi thơm nồng nàn, lưu giữ được trọn vẹn sự thanh tao. Phải cần đến 1.000-1.500 bông sen cho mỗi ký trà thành phẩm - một con số đủ để nói lên sự kỳ công và giá trị của thức uống này.
Bên cạnh cách ướp bằng gạo sen, Trà Sen Phù Đổng còn sử dụng phương pháp ướp xổi, tức là ướp trà trực tiếp trong búp sen tươi. Trà trước khi đem ướp xổi đã được ướp với gạo sen ba lần để tăng độ đượm hương. Đến buổi sáng tinh sương, chị Hà trà sẽ ra đầm, chọn những bông sen vừa hé nở. Có thể cắt bông về nhà để ướp, nhưng nhiều nghệ nhân lại thích ướp trà ngay tại đầm, nơi hương sen hòa quyện với làn nước mát lành. Mỗi bông sen như thế có thể chứa từ 20-25g trà, tùy vào độ lớn của búp sen. Trà được xúc bằng muỗng gỗ để tránh hơi tay làm tạp mùi, rồi khéo léo đặt vào lòng bông sen, đóng cánh lại và buộc dây để giữ hương. Bông sen sau khi ướp trà được cắm lại vào nước để tiếp tục trao đổi chất, giúp hương thơm ngọt ngào của sen thấm sâu vào từng cánh trà. Sau một ngày một đêm, quy trình ướp xổi hoàn tất, mang đến những chén trà tươi mát, phảng phất nét tinh khôi của hoa sen giữa mùa nở rộ.
Cả hai phương pháp ướp trà đều đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Từ việc chọn hoa sen - loại hàm tiếu, cánh xốp, hương thơm ngào ngạt, đến việc xử lý nhánh sen bằng kéo để không làm gián đoạn quá trình trao đổi chất khi cắm lại vào nước. Ngay cả việc bảo quản trà sen cũng là một nghệ thuật: trà tươi ngon nhưng dễ bị ẩm mốc, vì vậy phải được sấy khô hoặc bảo quản trong môi trường lý tưởng để giữ được hương thơm lâu dài.
Đối với Trà Sen Phù Đổng, mỗi sản phẩm không chỉ là một thức uống mà còn là một câu chuyện đầy tự hào về sự bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa lâu đời. Chính điều đó đã khiến Trà Sen Phù Đổng nhanh chóng chiếm trọn lòng tin và sự yêu mến của người tiêu dùng ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Nhiều khách hàng nhận xét rằng, mỗi chén trà Phù Đổng là sự giao hòa giữa hương thơm thanh khiết đặc trưng của hoa sen Tây Hồ và vị trà chát dịu, đọng lại hậu ngọt thanh tao - một thứ dư vị dễ dàng gợi nhớ về Hà Nội xưa, đầy bình yên và hoài niệm.
Những ai từng thưởng thức trà sen Phù Đổng đều không khỏi trầm trồ trước sự hoàn hảo của từng chén trà. Một khách hàng từng chia sẻ: “Mỗi lần thưởng thức Trà Sen Phù Đổng, tôi cảm thấy như đang chạm vào nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hà Nội.” Một khách hàng khác lại bày tỏ rằng, “ Hương sen thoang thoảng quyện với vị trà đậm đà nhưng không gắt chính là liều thuốc quý giúp họ thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.”
Không dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm chất lượng, Trà Sen Phù Đổng còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những người thợ làm trà tại đây không chỉ là những nghệ nhân lành nghề mà còn bao gồm cả những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hay khuyết tật. Họ được đào tạo bài bản để tham gia vào các công đoạn làm trà, từ hái sen, tách gạo sen cho đến ướp trà. Công việc này không chỉ mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp họ tìm thấy giá trị của bản thân, xây dựng một cuộc sống tự lập và bền vững. Bằng cách này, Trà Sen Phù Đổng đã trở thành cầu nối, không chỉ giữa con người và văn hóa mà còn giữa con người với con người, tạo nên những mối dây gắn bó bền chặt trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc Trà Sen Phù Đổng sử dụng sen Bách Diệp Tây Hồ trong quá trình sản xuất cũng góp phần bảo tồn giống sen quý hiếm này. Sen Bách Diệp không chỉ đặc trưng bởi vẻ đẹp thanh tao mà còn bởi hương thơm đậm đà, tinh tế - thứ hương thơm đã đi sâu vào ký ức của bao thế hệ người Hà Nội. Qua việc giữ gìn giống sen và đưa sản phẩm ra thị trường, Trà Sen Phù Đổng đã lan tỏa vẻ đẹp của loài hoa biểu tượng này, góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Có thể nói, trà sen Phù Đổng không chỉ là một sản phẩm mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sống động, kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo và tâm huyết của những người nghệ nhân làm trà. Hương sen thanh tao, vị trà dịu dàng đã trở thành biểu tượng của sự tinh tế, nhã nhặn trong phong cách sống của người Hà Nội. Mỗi chén trà sen không chỉ giúp xoa dịu tâm hồn, cải thiện sức khỏe mà còn là cầu nối đưa con người trở về với sự tĩnh lặng, bình yên, tìm thấy niềm an lạc giữa nhịp sống hối hả. Trà sen, bởi vậy, không chỉ là thức uống mà còn là một triết lý sống, một minh chứng rõ ràng cho mối giao hòa bền chặt giữa con người, thiên nhiên và văn hóa.
Trà sen Phù Đổng - tinh hoa của đất trời và tâm hồn Việt Nam mãi mãi là món quà vô giá, không chỉ dành tặng người thân, bạn bè mà còn dành tặng cho chính tâm hồn mỗi người. Trong mỗi ngụm trà, người thưởng thức không chỉ cảm nhận được vị ngon của sản phẩm mà còn nhận ra cả sự trân trọng, tình yêu và lòng tự hào đối với một nét đẹp truyền thống của quê hương.