Người lưu giữ bộ sưu tập “Tâm trà Diệu Bảo” và hành trình sưu tập ấm cổ

“Tâm Trà Diệu Bảo” - Bộ sưu tập 1.000 ấm Tử Sa đa dạng về kiểu dáng và nhiều niên đại lớn nhất thế giới. Những bộ ấm chén Tử Sa là minh chứng cho một sức sống bền bỉ và trường tồn, thể hiện giá trị văn hóa - lịch sử và Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm là người có bộ sưu tập ấm cổ đồ sộ này và cũng người giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ tương lai về một giai đoạn lịch sử tươi đẹp.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm giới thiệu những bộ ấm chén Tử Sa
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm giới thiệu những bộ ấm chén Tử Sa

Từ xưa đến nay, trà không chỉ là thức uống quen thuộc của người Việt mà nó đã trở thành nét sống động và đặc sắc trong đời sống văn hóa. Bên cạnh trà, ấm chén pha trà cũng là nét chấm phá đặc biệt làm đặc sắc hơn văn hóa trà đạo. Sưu tầm, lưu trữ, gìn giữ, phát huy và lan tỏa trà, ấm và văn hóa trà đã được Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm thực hiện trong suốt cuộc đời mình.

Tình yêu với trà

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã dành hơn nửa cuộc đời mình để đến nhiều nơi trồng chè trong và ngoài nước, tìm hiểu, sưu tầm nhiều loại trà quý, nắm rõ mỗi loại trà ở một vùng đất với kỹ thuật riêng trong thu hái, chế biến để cho ra trà ngon và phù hợp với sức khỏe. Ghé thăm những vùng trà trong và ngoài nước không chỉ để mở rộng vùng nguyên liệu mà quan trong hơn cả là được tiếp xúc, học hỏi giao lưu kinh nghiệm và nếm thử hương vị trà ở mỗi vùng miền. Với bà, mỗi loại trà thể hiện một bản sắc riêng bởi chúng được chắt chiu tinh túy của con người, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa vùng đất ấy.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm tại một buổi giao lưu văn hóa trà, ấm cổ tại Hà Nội 
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm tại một buổi giao lưu văn hóa trà, ấm cổ tại Hà Nội 

Với tình yêu trà cũng như đóng góp cho công tác giáo dục - đào tạo về trà, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được nhận bằng tôn vinh Trà sư. Bà chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời 30 năm trước ấm và trà, 30 năm sau tình yêu ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên và sẽ mãi theo tôi trong suốt hành trình đời mình”. Với bà “Yêu ấm không thể quên trà”, tình yêu ấm cổ và trà đã theo Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm trong nhiều năm qua.

Cuốn sách Tâm Trà Diệu Bảo
Cuốn sách Tâm Trà Diệu Bảo

Tình yêu với trà và ấm của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cũng được viết thành lời trong cuốn sách Trà Duyên và Tâm Trà Diệu Bảo. Hai cuốn sách nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia: Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín; Trà hữu Thanh Long; Nhà giáo Đức Sơn Thái Trọng; bà Đỗ Huỳnh Phương Lan và quý trà hữu gần xa.

“Yêu ấm không thể quên trà, 30 năm trước ấm và trà tìm tôi, 30 năm sau tình yêu ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên và sẽ mãi theo tôi trong suốt hành trình đời mình”, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Cơ duyên với ấm

Chiếc ấm Tử Sa của Chu Khả Tâm, một trong những bậc thầy chế tác ấm Tử Sa nổi tiếng 
Chiếc ấm Tử Sa của Chu Khả Tâm, một trong những bậc thầy chế tác ấm Tử Sa nổi tiếng 

Cơ duyên đến với ấm Tử Sa của Trà sư bắt đầu từ năm 1993 khi bà sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Theo thời gian, cùng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi, Trà sư bén duyên với ấm - chén trà từ bao giờ không hay. Tìm được ngọn lửa đam mê, trong suốt hơn 30 năm qua, bà vẫn không ngừng sưu tầm thêm những cổ vật mới, làm phong phú bộ sưu tập. Và với Trà sư, ấm Tử Sa đã vượt khỏi chức năng là trà cụ thông thường mà là một vật phẩm vô giá vì nó ẩn tàng nhiều giá trị cổ xưa và văn hóa của nhân loại

“Niềm đam mê trà và ấm Tử Sa của tôi kéo gần 30 năm, sau quá trình tìm tòi và sưu tập đó, đến nay tôi may mắn sở hữu trên 1.000 ấm Tử Sa cùng với nhiều bộ chén từ nguyên liệu quý hiếm độc đáo. Trên một ngàn ấm Tử Sa cũng là ngần ấy câu chuyện về mỗi chiếc ấm, bởi lẽ, mỗi chiếc ấm đối với tôi là như một sinh mệnh, nó không chỉ ở kỳ công, kỳ duyên của người sưu tầm mà chính ở sự tài hoa, sáng tạo, tâm huyết và trí tuệ của nghệ nhân đã tạo tác trên mỗi chiếc ấm. Những chiếc ấm như đại diện cho những thời kỳ văn hóa, là bộ mặt của sự tiến bộ, là chỉ báo, dấu hiệu đặc trưng cho thẩm mỹ của từng thời đại trong quá trình hình thành và phát triển ấm Tử Sa”, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Ấm chén Tử Sa là loại ấm trà làm từ đất sét tử sa khai thác ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ấm Tử Sa dùng để pha trà thơm ngon hơn rất nhiều so với ấm thông thường do đặc tính giữ nhiệt của đất tử sa được chế tác và nung ở nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, điều độc đáo nhất mà người sành ấm Tử Sa đam mê đó chính là nghệ thuật chuyển tải thông điệp văn hóa trà được nâng lên thành Trà đạo qua hình dáng ấm và minh họa thơ ca, hội hoạ, thư pháp... khắc trên ấm.

Bộ sưu tập “Tâm trà Diệu Bảo”

Người lưu giữ bộ sưu tập “Tâm trà Diệu Bảo” và hành trình sưu tập ấm cổ - Ảnh 1
Một số chiếc ấm trong bộ sưu tập Tâm trà Diệu Bảo
Một số chiếc ấm trong bộ sưu tập Tâm trà Diệu Bảo

Dành trọn cuộc đời với tình yêu trà và ấm, sau hơn 30 năm sưu tầm, bà Thanh Tâm đã sở hữu hơn 1.000 bộ ấm chén trà tử sa. Tháng 4/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập kỷ lục “Tâm trà Diệu Bảo” – Bộ sưu tập ấm chén tử sa đa dạng về kiểu dáng có số lượng nhiều nhất Việt Nam cho Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm.

Bộ sưu tập ấm, chén tử sa của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được làm nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng thuộc làng nghề thủ công Nghi Hưng, có niên đại kéo dài từ thời nhà Minh, nhà Thanh cho đến ngày nay. Mỗi chiếc ấm tử sa có một kiểu dáng, một biểu đạt triết lý riêng mà người thưởng ấm phải hòa được tâm mình với tâm nghệ nhân mới thấu hiểu được sự kết hợp tài hoa của ba đỉnh cao trong một sản phẩm khi tạo ra những chén trà ngon và mang mùi vị riêng biệt.

Theo các chuyên gia, bộ sưu tập ấm chén tử sa “Tâm Trà Diệu Bảo” không chỉ đặc biệt về số lượng, mà còn mang giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế. Nhiều ấm chén trong bộ sưu tập có niên đại từ thời nhà Thanh trải dài cho đến nay, là những "di sản văn hóa, biểu trưng thẩm mỹ của từng thời đại, phản ánh phong cách sáng tác mỗi thời kỳ”…

Hương Trà