Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường bất động sản “ảm đạm” kể từ quý 2/2021. Nhiều nhà đầu tư ôm “hàng” đang ngày đêm lo lắng cho khối tài sản của mình bị bốc hơi. Còn những người phải vay ngân hàng để mua nhà đang như ngồi trên đống lửa.
Dịch bùng phát…áp lực vay nợ
Anh Huỳnh Quang Đức, một nhà đầu tư lâu năm ở TP. HCM cho biết, để có tiền thanh toán trả lãi ngân hàng anh đã rao bán 2 căn Condotel ở thành phố Nhà Trang với mức giảm trên dưới 10% so với giá mua ban đầu tuy nhiên hiện thị trường đóng băng nên muốn bán cũng không ai mua.
“Khi mua bất động sản thì được ngân hàng giải ngân rất nhanh nhưng thị trường đi xuống vì dịch bệnh thì ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cũ. Tôi phải đang gánh mỗi tháng hơn 20 triệu để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng đợt này”, anh Đưc nói.
Một trường hợp khác, anh Dũng chia sẻ lại với phóng viên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến cả hai vợ chồng anh mất đi nguồn thu nhập chính, gia đình anh hiện nay đã sử dụng hết toàn bộ tiền dự phòng để gồng khoản nợ ngân hàng mỗi tháng lên đến gần 25 triệu đồng, nên gần như không còn đủ tiền để chi tiêu sinh hoạt. Việc vay mượn bạn bè, gia đình giờ đây là vô cùng khó khăn khi mà ai ai cũng muốn dự phòng chi phí đề phòng bất trắc trong dịch. Đến lúc này, anh Dũng phải rao bán bớt những khoản đầu tư nhà đất nhưng hiện các văn phòng công chứng không hoạt động nên muốn bán cũng không bán được.
Người vay tiền để đầu tư gặp khó, người vay để mua nhà cũng vất vả để xoay xở khoản vay từ phía ngân hàng kể từ thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Chị L.B.Thảo (Quận 1, TP. HCM) cho biết, đầu năm 2020, chị vay 1,5 tỉ đồng để mua nhà với mức trả lãi suất cũ là 8,9%/năm giờ áp dụng lãi suất thả nổi lên gần 12%/năm. Khi chị hỏi nhân viên tín dụng của ngân hàng cho chị làm đơn xin giãn nợ thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chị Thảo cho biết nếu trong điều kiện bình thường thì việc ngân hàng làm đúng quy định hợp đồng vay không sai, nhưng hiện tại tình hình nhiều người lao động rơi cảnh thất nghiệp, giảm thu nhập thậm chí không có thu nhập, đến duy trì chi phí sinh hoạt thường ngày đã rất khó khăn, gánh thêm chi phí lãi suất quá lớn, chậm thanh toán ngày nào là phạt ngày đó, ngân hàng không hỗ trợ nào khác gì đẩy nhiều người vay mua nhà rơi vào kiệt quệ.
Nên giãn nợ, giảm lãi vay
Trước thực tế áp lực vay nợ của nhiều khách hàng hiện nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng các ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn tiến độ trả lãi, giãn tiến độ trả nợ, không chuyển nhóm nợ xấu và áp dụng cho các khoản vay từ ngày 20/1/2020 đến 30/6/2022.
Ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận, trong khi khách hàng vay vốn mua nhà đang kiệt quệ còn ngân hàng vẫn giữ lãi khủng là phản cảm. Việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến hầu hết doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Trong lúc hầu hết khách vay vốn, kể cả doanh nghiệp và người dân, bị khó khăn và thua lỗ, các ngân hàng cần có động thái hỗ trợ thiết thực hơn. Giảm lãi, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân là đạo lý kinh doanh mà các ngân hàng thương mại không thể không làm.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng các ngân hàng nên xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của các ngân hàng, chỉ cần ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách vay, thay vì để khách hàng "sống chết mặc bay" tại thời điểm hiện nay.
“Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022. Đề nghị xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội”. Ông Châu nhấn mạnh