Trên địa bàn Phường Phú Mỹ có khá đông người dân là lao động từ các tỉnh miền Tây về sinh sống, không có việc làm ổn định, cha mẹ chủ yếu làm thuê, làm công nhân, buôn thúng bán bưng... nên hầu hết các em không được đến trường. Hằng ngày, các em phải phụ cha mẹ bán vé số, nhặt ve chai, một vài em đi nhặt bóng thuê ở sân tennis. Có em vì cha mẹ làm công nhân nên suốt ngày bị nhốt trong phòng trọ chật chội. Bởi vậy, khi được đi học các em rất vui. Mặc dù 17 giờ hằng ngày (trừ chủ nhật) mới tới giờ vào lớp nhưng nhiều em đến sớm trước vài tiếng để được vui đùa cho thỏa thích. Đến với lớp học tình thương, các em được học những môn: Tập đọc, Tập viết, Tiếng Việt, Toán, Tập làm văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh... Có học sinh khi đi học còn bế theo cả em đến lớp. Những trường hợp như thế, thầy Tính và các tình nguyện viên lại kiêm luôn cả vai trò “bảo mẫu”.
Trung tá QNCN Vũ Trường Tính chia sẻ: “ Hiện tại lớp có hơn 30 em học sinh ở các độ tuổi, lớp học khác nhau nhưng chỉ có một phòng học chung nên phải xếp mỗi dãy bàn một lớp. Các buổi tối thường có những sinh viên, tình nguyện viên hỗ trợ dạy thêm. Hôm nào các bạn ấy bận việc thì một mình tôi phải đảm nhiệm hết. Vất vả nhưng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của “người đưa đò” như tôi”.
Để kết quả học tập của học trò tốt hơn, sát với chương trình học ở các nhà trường, thầy Tính liên hệ với phòng giáo dục và đào tạo địa phương xin chương trình khung, tài liệu, giáo án về soạn lại cho phù hợp với nhận thức của lớp học tình thương; cố gắng diễn đạt thật đơn giản để các em dễ hiểu, biết vận dụng vào làm bài tập, hoàn thành nội dung theo chương trình, lớp học. Lúc đầu, nhiều phụ huynh chưa tin lớp học của Bộ đội Biên phòng nên không cho con đến lớp. Thầy Tính phải mang quà, bánh, kẹo đến tận nhà vận động các em đi học. Ban đầu, cả lớp chỉ có chưa đầy 10 em, nhưng sau đó đông dần lên tới hơn 30 em, được học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Tính đến khi chuyển công tác về Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ (năm 2017), đã có hơn 80 em được học tập trong lớp học tình thương.
Nếu cộng tất cả học sinh ở 3 nơi (phường Phú Mỹ, phường Tân Thuận Đông và ấp đảo Thiềng Liềng), đến thời điểm này, số học trò của thầy Tính đã lên tới hơn 280 em. Trong số đó, nhiều người đã tiến bộ, trưởng thành, làm trưởng ấp, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, kiểm lâm viên, kỹ sư thủy sản...Không chỉ dạy chữ cho trẻ em nghèo, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính còn kết hợp rèn đạo đức, dạy các em lẽ sống làm người và những kỹ năng cần thiết để trở thành người có ích thông qua sự mẫu mực của chính bản thân mình và những câu chuyện người tốt, việc tốt từ thực tiễn hằng ngày.
Cùng với đó, anh và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất, như: Bàn ghế, quần áo, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm... để chăm lo cho học sinh. Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ cho biết: "Khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng chí Vũ Trường Tính đã cùng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vận động được hơn 1 tấn gạo và 100 thùng mì ăn liền tặng học sinh trong lớp học tình thương phường Phú Mỹ. Nhân các ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hằng năm, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà học sinh nghèo trong lớp học và trên địa bàn... giúp các em và gia đình ổn định cuộc sống".
Những việc làm nghĩa tình, thầm lặng của đồng chí Vũ Trường Tính không chỉ được cấp ủy, chỉ huy đơn vị và đồng đội ủng hộ, động viên mà còn được chính quyền, đoàn thể địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trẻ em nghèo và người lao động trên địa bàn tin tưởng, quý mến thầy giáo Tính. Đây là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Minh Đông/VPTB