Thời gian qua, một bộ phận người nộp thuế (NNT) lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập doanh nghiệp (DN) không để sản xuất kinh doanh, mà thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống, bất hợp pháp. Hành vi gian lận chiếm đoạt tiền NSNN thông qua hoàn thuế, không chỉ làm méo mó môi trường sản xuất kinh doanh, mà còn gây bất bình đẳng trong cộng đồng DN.
Cụ thể, cơ quan thuế đã nhận diện những hành vi vi phạm pháp luật điển hình của một số DN, tổ chức, cá nhân có động cơ, mục đích cố tình sử dụng hoá đơn điện tử bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của NSNN như: xuất khống, mua bán hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu...,nhiều vụ án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua.
Ngành Thuế cho biết, Bộ chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế được chia làm 3 nhóm, gồm: Nhóm I - Nhóm chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc diện kiểm trước hoàn sau. Nhóm II - Nhóm chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo phương pháp chấm điểm rủi ro. Nhóm III - Nhóm chỉ số tiêu chí theo yêu cầu quản lý của cơ quan thuế.
Một số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT, chiếm đoạt tiền thuế, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gây thất thu cho NSNN.. Những hành vi này, đã ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, những hành vi vi phạm về hoàn thuế GTGT, nhằm chiếm đoạt tiền thuế ngày càng phức tạp. Theo đó, ngày 18/9/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
Việc áp dụng QLRR trong công tác hoàn thuế GTGT để phân tích, đánh giá, xếp hạng NNT là DN, tổ chức có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT. Việc QLRR trong công tác hoàn thuế GTGT sẽ thực hiện áp dụng đối với hồ sơ hoàn thuế dự án đầu tư và hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Qua đó, kết quả đánh giá, xếp hạng rủi ro đối với NNT có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT là căn cứ để quyết định kiểm tra trước hoàn thuế sau đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của NNT được xếp hạng rủi ro cao. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo mức độ xếp hạng rủi ro của NNT.
Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT còn giúp chuẩn hóa nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất trong công tác lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT cũng góp phần đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tại Quyết định 1388/QĐ-TCT, từ ngày 25/10/2023, ngành Thuế đã chính thức áp dụng QLRR vào phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT trên toàn quốc. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai áp dụng QLRR vào phân loại hồ sơ hoàn thuế với cơ quan thuế các cấp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai, sẽ chạy phân tích trong phạm vi bộ chỉ số tiêu chí (CSTC) gồm CSTC nhóm I và CSTC nhóm II với trọng số của các CSTC là 1 để phân tích, phân loại rủi ro trên phạm vi cả nước.
Để triển khai áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT có hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chỉ đạo tổ triển khai tại Tổng cục Thuế là đầu mối triển khai hệ thống ứng dụng và hỗ trợ cục thuế địa phương trong thời gian triển khai và xử lý các vướng mắc phát sinh sau quá trình triển khai ứng dụng.
Đối với tổ triển khai tại cục thuế địa phương thực hiện kiểm soát, theo dõi, đánh giá việc rà soát, kiểm tra các trường hợp rủi ro xác định từ kết quả phân tích trên hệ thống theo đúng quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế giao Ban QLRR chủ trì phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thanh tra Kiểm tra tiếp tục rà soát phân tích nghiệp vụ, hoàn thiện ứng dụng QLRR - phân hệ hoàn thuế đáp ứng việc triển khai các CSTC nhóm III và các nội dung còn chưa triển khai trong giai đoạn đầu, đảm bảo đầu năm 2024 triển khai theo quy định tại Quyết định 1388/QĐ-TCT về áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế./.
Bùi Quốc Dũng