Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5): Chăm lo chất lượng nguồn nhân lực

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tổ chức do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo đang bước vào giai đoạn quan trọng, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất nỗ lực thực hiện của toàn hệ thống chính trị, bộ máy công quyền và sự đồng thuận cao của toàn dân. Cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi tư duy về con đường phát triển của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ về nguồn nhân lực.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”- cụm từ ấy thường được dùng trong lĩnh vực quân sự nhưng lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng có thể vận dụng được. Tinh giản bộ máy là thu gọn, sáp nhập khoa học, hợp lý đầu mối cơ quan đơn vị, giảm biên chế, giảm số lượng người lao động kém hiệu quả, đi kèm với yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân sự. Khối lượng công việc sau sáp nhập không chỉ như cũ, sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn nhưng nhân sự lại phải rút gọn. Bài toán tổ chức ấy không hề dễ giải trong thời gian ngắn. Vậy nên chuyển đổi số, số hóa các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, hoạt động hành chính là yêu cầu sống còn, tất yếu.

Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt giải quyết mâu thuẫn hiện hữu. Con người tạo ra AI, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Máy móc, công nghệ số, kinh tế số dần từng bước thay thế nhân lực cũ, lao động giản đơn, dùng sức người, lao động thủ công bằng lao động trí tuệ. Con người đang tạo sức ép cho chính mình khi buộc phải tìm cách làm chủ AI- sản phẩm do mình làm ra! Thực tế chỉ rõ, việc sáp nhập một số tỉnh, thành, bỏ cấp huyện hay cấp trung gian trong bộ máy công quyền sẽ hình thành các tỉnh mới với diện tích, quy mô dân số tăng lên nhiều lần. Bỏ cấp huyện thì xã phường sẽ mở rộng nhiều. Sáp nhập các bộ vào thì nhiệm vụ của Bộ mới nhiều lên, người lãnh đạo phải quán xuyến đa lĩnh vực, rộng hơn.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5): Chăm lo chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1

Để hoàn thành nhiệm vụ càng không đơn giản. Đòi hỏi năng lực quản trị, điều hành của người đứng đầu xã, đầu tỉnh, tư lệnh bộ, ngành cao hơn nhiều. Liệu rằng, sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, vận hành thì nguồn nhân sự mới có đáp ứng được yêu cầu hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng trong thực hiện nhiệm vụ mới không? Bởi thế, việc tinh gọn bộ máy công việc khó nhất là lựa chọn người ở lại và chia tay người ra khỏi vị trí việc làm. Sự sàng lọc ấy phải tường minh, chính xác, chuẩn chỉ. Làm thế nào để người phải rời bỏ (thậm chí họ còn trẻ) vui vẻ thanh thản tương tự như người tự nguyện ra đi. Người được lựa chọn tiếp tục công tác thì đủ tự tin, đủ bản lĩnh chính trị, năng lực quản trị, điều hành, thực hiện công vụ, xứng đáng với niềm tin của tổ chức và đồng nghiệp đã lựa chọn mình.

Chất lượng nguồn nhân lực - lực lượng lao động ở bất cứ công việc nào, ngành nghề gì, trong mọi giai đoạn, hoàn cảnh đều mang ý nghĩa quyết định đến công cuộc phát triển của quốc gia. Nâng cao chất lượng lực lượng lao động chính là phải chăm lo quy hoạch, đầu tư bài bản từ việc đào tạo chuyên môn, năng lực hành động, bản lĩnh và phẩm chất chính trị. Tiếp theo là cách thức sử dụng hợp lý, khai thác triệt để sở trường, sở đoản, tạo môi trường cho họ phát huy, tôn trọng sở thích để họ yêu công việc và sẵn sàng tận hiến. Ngoài ra, còn là yêu cầu thể chất, sức khỏe…Thách thức của nền kinh tế xã hội hiện nay còn nhiều, là tình trạng già hóa dân số, thất nghiệp, thiếu việc làm, nền kinh tế toàn cầu suy giảm, không ổn định.

Cùng với đó, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là chiến tranh kinh tế, thương mại giữa các nước lớn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam khi đang ở tư thế hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới. Một số chính sách mới của Mỹ, trong đó có thuế quan đã tác động dữ dội đến nhiều quốc gia, buộc các nước phải thay đổi tư duy ứng xử với các kịch bản mới về xung đột lợi ích kinh tế, định hướng phát triển, nhất là tìm cách hóa giải mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và chủ quyền dân tộc, lợi ích quốc gia.

Báo cáo “ Vượt qua xáo trộn, từ hỗn độn đến định hình” của tổ chức Anphabe với nhiều số liệu khảo sát qua gần 400 quản lý nhân sự và 13.000 lao động tham gia mới được công bố tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả ghi nhận, sau đại dịch COVID -19, doanh nghiệp Việt tích cực hơn; 39% doanh nghiệp cho biết vẫn tuyển dụng nhưng chỉ tuyển và giữ người với chi phí hợp lý. Có 37% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trên diện rộng, 25% doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi tự động hóa, nhưng việc tái cấu trúc bộ máy, sắp xếp nhân sự lại bị động hoàn toàn; 46 % doanh nghiệp Việt Nam cho rằng không dễ tuyển được nhân tài đủ chất lượng; chỉ 43% nhân lực vượt qua làn sóng sa thải rồi bị stress rất cao...

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã xây dựng chương trình “Bình dân học vụ số”, xây dựng chiến lược phát triển ngành bán dẫn nhằm chủ động sản xuất chíp; làm chủ công nghệ AI, chuyển đổi số... đang là những khâu chuẩn bị mang tính đột phá. Hoạt động ấy luôn gắn liền với việc tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, xây dựng nguồn nhân lực mới có chất lượng mới cao hơn thời gian trước. Việt Nam đang có sự chuyển dịch nguồn nhân lực khá rõ, như người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thuộc diện lao động dôi dư, thậm chí vẫn còn được trọng dụng đã chủ động chuyển sang môi trường làm việc mới, nhất ở khu vực kinh tế tư nhân. Ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đại dịch COVID -19 nhiều người lao động chấp nhận về quê “khởi nghiệp lại”. Một bộ phận khác tìm cách đào tạo lại, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn nhằm thích ứng với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới: cạnh tranh quyết liệt, rủi ro cao hơn.

Chuyển mình, vươn mình trong kỷ nguyên mới, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ban, ngành triển khai kế hoạch đã vạch ra theo lộ trình với thời gian và yêu cầu kết quả cụ thể. Chưa khi nào trong một ngày có hàng vài chục dự án, công trình lớn nhỏ khởi công hay cắt băng khánh thành, đưa vào sử dụng vượt trước tiến độ. Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo tập trung nguồn lực tài chính và nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển hạ tầng kỹ thuật chính là nhằm kết nối vùng miền, khu vực, vùng kinh tế trọng điểm để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đó cũng là những gợi mở về vấn đề chăm lo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng lao động hiệu quả cao hơn.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành chip bán dẫn, sản xuất phần mềm, chuyển đổi số hay các lĩnh vực chuyên sâu trong một số ngành mũi nhọn, nhất là khoa học tự nhiên:toán, vật lý, hóa học luôn đói nhân lực cần đầu tư tốn kém…luôn là bài toán khó cho mọi quốc gia. Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng xuất khẩu, nông nghiệp xanh, ứng dụng KHCN cao, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất xanh đều cần nguồn nhân lực tiên tiến.

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là bước đi bắt buộc của Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, phải tìm mọi cách để kinh tế đất nước phát triển nâng cao đời sống nhân dân. Muốn vậy, xu thế tất yếu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo, định hướng của người đứng đầu Đảng ta.
VĂN HÙNG

Từ khóa: