Nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giống chè Lai Châu

Hiện Lai Châu có 10 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao; 2 bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, một bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn 8cấp khu vực và quốc gia. Nhằm thúc đẩy phát triển chè trở thành sản phẩm mũi nhọn, nhiều biện pháp đã được tỉnh đưa ra.

Nhiều chính sách phát triển bền vững chè Lai Châu.
Nhiều chính sách phát triển bền vững chè Lai Châu.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Lai Châu hiện có một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, Công ty cổ phần trà Than Uyên, Công ty cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường như: Trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông Phương Mỹ Nhân, Hồng trà, trà xanh... Các sản phầm chè còn lại chủ yếu là trà xanh sao lăn được chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh để đóng gói, chế biến, tiêu thụ.

Để phát triển bền vững, tỉnh Lai Châu đưa ra nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giống chè, cơ sở chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước, từng bước xây dựng thương hiệu chè Lai Châu. Tỉnh cũng quan tâm chuẩn hóa quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200ha chè được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như: VietGAP, hữu cơ, RA (Rainforest Alliance), nông nghiệp bền vững.

Hiện, 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao của Lai Châu đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Lai Châu.

UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2025, tổng diện tích chè toàn tỉnh trên 10.000 ha; thực hiện bảo tồn, trồng mới và trồng bổ sung 300ha chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống trồng mới, phân bón lót theo quy trình; hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất, phát dọn thực bì.

Văn Hiếu / VPTB