Trong số 304 cột bị gãy tại các tỉnh, thành phố nêu trên, có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường.
Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bê tông dự ứng lực. Thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cột bê tông dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 11%) trong tổng số cột điện bị gãy.
Từ kiểm tra thực tế các khu vực có cột điện nghiêng, gãy, đổ, EVNCPC cho biết, nguyên nhân là do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây) quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn,… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.
Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.
EVNCPC đã tiến hành rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được các nhà sản xuất trong nước thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Hằng năm, trước mùa bão lũ, EVNCPC đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên chú trọng kiểm tra, gia cố những vị trí xung yếu; sửa chữa thiết bị, công trình, xử lý ngay các trường hợp không đảm bảo an toàn, đồng thời tổ chức diễn tập các phương án phòng chống lụt bão từ các đơn vị đến cấp Tổng công ty.
Trong thời gian tới, EVNCPC tiếp tục phối hợp với các Ban, ngành địa phương tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu cây cối, công trình tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đặc biệt vận động nhân dân chặt tỉa cây cối trước mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại lưới điện.
Huy Đức