Cụ thể, ACB điều chỉnh mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 1-3 tháng từ 4% lên 5%/năm; các kỳ hạn trên 6 tháng tăng từ 0,3-0,5 điểm %, lên mức lãi suất cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
KienlongBank cũng điều chỉnh kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,2% lên 0,5%/năm và kỳ hạn 1 tháng đến đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm; các kỳ hạn 6 đến 13 tháng cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm % so với mức cũ.
Trong khi đó, SHB cũng tăng lãi suất dưới 1 tháng lên tối đa 0,5%/năm, riêng lãi suất từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ tăng lên gần chạm trần cho phép, ở mức 4,4-4,8%/năm tùy số tiền gửi; các kỳ hạn trên 6 tháng cũng được điều chỉnh thêm 0,4-0,5 điểm % so với trước đó.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng biểu lãi suất mới, tăng ở các kỳ hạn ngắn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 4,9%/năm, tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), các mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh lên từ 4,5%-4,8%/năm tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn gửi, tăng tối đa khoảng 0,8 điểm % so với trước đó.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như HDBank, VIB, Eximbank... cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Tương tự, Vietcapital Bank đầu tháng 9 vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,2%/năm và tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 3,9%/năm, đến nay các mức lãi suất này đã tăng lên lần lượt 0,5%/năm và 5%/năm, đều là mức cao kịch trần cơ quan quản lý cho phép.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, năm 2023 đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, trong khi các ngân hàng thương mại phải tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Mức tăng lãi suất huy động dự kiến trong năm 2023 là 0,5 điểm %, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lên mức 6,6-6,8%/năm.