Trong phiên chất vấn, các đại biểu tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như: tình hình giao thông đô thị, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, và hiệu quả công tác quản lý thị trường. Nhiều ý kiến chất vấn đã được nêu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo cụ thể thực trạng và đưa ra giải pháp khả thi, sát thực tiễn.
Chủ trì và điều hành phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Lê Trường Lưu; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Quang Tuấn; và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Văn Tuấn.
Nhìn nhận thực tế và đề xuất giải pháp dài hạn
Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nội thị, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, là một trong những vấn đề trọng tâm được đại biểu Nguyễn Anh Dũng nêu chất vấn tại phiên họp, yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân và hướng xử lý trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh - CTTĐT thành phố Huế
Trả lời ý kiến đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết, áp lực giao thông hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô dưới 9 chỗ với hơn 70.000 xe đang lưu hành tại thành phố Huế – tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, hạ tầng giao thông đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện. Ông cũng nêu thực tế, hơn 85% trong tổng số 521 tuyến đường trên địa bàn có bề rộng dưới 10m, gây khó khăn trong việc tổ chức lưu thông hợp lý. Một số điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ đã được chỉ rõ như: nút giao Lê Lợi – Hà Nội, Kim Long – Lê Duẩn và ngã sáu Hùng Vương.
Để từng bước cải thiện tình hình, thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm như cầu Nguyễn Hoàng, đường vành đai 2 và cầu Kim Long; phát triển mạng lưới xe buýt nội đô với 15 tuyến hiện đại theo hình thức xã hội hóa; đồng thời phê duyệt Đề án tổ chức giao thông khu vực trung tâm. Thành phố cũng chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, điển hình là việc tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Chủ tịch HĐND thành phố, ông Lê Trường Lưu, nhấn mạnh sự cần thiết của một đề án tổng thể về giảm thiểu ùn tắc giao thông, xem đây là một nhiệm vụ khoa học cấp thành phố. Ông cũng gợi mở hướng tiếp cận lâu dài thông qua việc phát triển hệ thống xe buýt công cộng kết nối các khu đô thị và trung tâm thành phố, tiến tới nghiên cứu các loại hình giao thông hiện đại như đường sắt đô thị hoặc tàu điện ngầm trong quy hoạch dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đô thị Huế trong tương lai.
Kiểm soát tốt đàn lợn, tăng cường phòng ngừa cộng đồng
Mối quan tâm về diễn biến phức tạp của bệnh liên cầu khuẩn trên người được đại biểu Hoàng Trọng Bửu nêu tại phiên chất vấn, đề nghị ngành Y tế làm rõ tình hình và các giải pháp phòng ngừa trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Y tế Trần Kim Hảo phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh - CTTĐT thành phố Huế
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, từ đầu năm đến ngày 16/7/2025, thành phố đã ghi nhận 38 trường hợp mắc bệnh do liên cầu khuẩn từ động vật truyền sang người, trong đó có 2 trường hợp không qua khỏi. Trước thực trạng này, UBND thành phố và ngành Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, thực hiện vệ sinh môi trường và phối hợp xử lý triệt để các ổ dịch. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng được đặc biệt chú trọng, với các khuyến cáo cụ thể như: không sử dụng thực phẩm chưa được chế biến kỹ, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức khẳng định, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc đang được thực hiện nghiêm ngặt. Qua kiểm tra và điều tra tại nơi cư trú của các trường hợp mắc bệnh, không phát hiện vật nuôi có dấu hiệu mang mầm bệnh. Ông cũng nhấn mạnh, nguồn lây bệnh không xuất phát từ đàn vật nuôi được quản lý trên địa bàn. Ngành chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” và lựa chọn thực phẩm an toàn trong chế biến hàng ngày.
Giải ngân vốn đầu tư
Tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Thị Thu Truyền đề nghị làm rõ tiến độ giải ngân ngân sách, đặc biệt là các nguồn vốn từ Trung ương và vốn sự nghiệp.
Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh - CTTĐT thành phố Huế
Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, tổng tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt 28%, trong đó vốn đầu tư phát triển đạt 48% – cao hơn mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp mới chỉ đạt 10,5%.
Theo ông Thành, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc kế hoạch vốn Trung ương được phân bổ chậm, cùng với những điều chỉnh trong cơ chế chính sách diễn ra đồng thời với quá trình kiện toàn bộ máy hành chính địa phương, khiến một số đơn vị chưa kịp đăng ký nhu cầu. Bên cạnh đó, việc chậm đề xuất từ các chủ đầu tư, chương trình cũng ảnh hưởng đến quá trình phân bổ và triển khai nguồn vốn.
Nhằm thúc đẩy tiến độ, Sở Tài chính đề xuất các cơ quan liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc phân bổ hơn 125 tỷ đồng vốn sự nghiệp còn lại trong tháng 7. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, xác định nhu cầu, cam kết tiến độ giải ngân và phối hợp tháo gỡ khó khăn về thủ tục.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ và hiệu quả trong sử dụng nguồn lực tài chính, tránh tình trạng dồn dập hoặc phân tán trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Chống buôn lậu, hàng giả - đẩy mạnh kiểm tra, ứng dụng công nghệ
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Ái Nhi bày tỏ quan tâm đến tình hình kiểm soát thị trường, nhất là các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.
Giám đốc Sở Công Thương Đặng Hữu Phúc cho biết, với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại có xu hướng gia tăng, nhất là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 550 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 10,6 tỷ đồng; riêng đợt cao điểm từ giữa tháng 5 đã phát hiện 57 vụ, chuyển xử lý hình sự 3 vụ việc nghiêm trọng.
Để tăng hiệu quả quản lý, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát thị trường cả trong và ngoài không gian số, thúc đẩy phối hợp liên ngành, ứng dụng công nghệ số trong nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và doanh nghiệp sẽ được chú trọng, hướng tới xây dựng môi trường thương mại lành mạnh, minh bạch.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Huế ghi dấu sự thẳng thắn, trách nhiệm và sát thực tiễn từ phía các đại biểu, với nhiều nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến đời sống đô thị và nhu cầu người dân. Các giải trình và định hướng hành động từ cơ quan chức năng cho thấy quyết tâm đồng hành cùng cử tri, từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng quản lý và dịch vụ công. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình kiến tạo một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Bùi Quốc Dũng