Theo đó, tính đến 16 giờ 30 phút chiều 10-1 đã có 132 trường học trên địa bàn tại tám huyện, thành phố là Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu bố trí cho học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại; trong đó, có 59 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 32 trường THCS và một trường THPT.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục và các trường học chủ động kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm cho việc dạy và học. Cán bộ y tế các nhà trường tăng cường thuốc và thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Nếu tổ chức lịch học phải hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời, bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã có đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Công văn yêu cầu các đơn vị, trường học căn cứ vào tình hình thời tiết tại địa phương và chất lượng trường, lớp học chủ động, linh hoạt, bố trí lịch học phù hợp, cũng như quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt.
Sau rét đậm, rét hại, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các đơn vị, trường học bố trí việc dạy và học bù phù hợp, bảo đảm kế hoạch thời gian năm học và không dạy dồn tiết, cắt xén chương trình.
Đối với các nhà trường có học sinh bán trú, thầy cô giáo có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, bổ sung chăn, áo ấm cho học sinh; chỗ ngủ bảo đảm kín và ấm áp. Các trường mầm non, tiểu học phải có nước ấm để phục vụ, chăm sóc các cháu; đồng thời bảo đảm chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý trong những ngày rét đậm, rét hại.
Trần Tuấn
Theo Nhân dân