Những bước đột phá phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của Yên Bái đã từng bước tạo dựng ngày càng nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, mở đường đưa những sản phẩm chất lượng cao của nông dân Yên Bái đến thị trường trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái.

Thời gian qua, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"(OCOP) trên địa bàn tỉnh Yên Bái được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 193 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 - 4 sao. Cùng với đó, tỉnh Yên Bái vừa có 10 sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc gồm: trà quế, chè xanh, trà Shan tuyết, miến đao, quế điếu thuốc....

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh Yên Bái đang khẩn trương xây dựng Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từ truyền thống đến thương mại điện tử.

Dấu ấn phát triển đột phá sản phẩm OCOP

Năm 2019, năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, bằng những biện pháp hỗ trợ cụ thể, tỉnh Yên Bái đã phát triển được 8 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao. Năm 2020, chỉ sau một năm học hỏi, rút kinh nghiệm, Chương trình OCOP ở Yên Bái có sự phát triển mạnh mẽ và bài bản, kết quả đã phát triển, chuẩn hóa được 86 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao.

Chè Suối Giàng, sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng.
Chè Suối Giàng, sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng.

Đánh giá về quá trình phát triển sản phẩm OCOP của Yên Bái trong những năm vừa qua, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, thực tế cho thấy những sản phẩm đạt chuẩn OCOP, có chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tiếp tục được tiêu thụ dễ dàng, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều đó, khiến sản phẩm OCOP của Yên Bái liên tục được nâng cao về chất lượng, sản lượng và có bước phát triển đột phá về số lượng sản phẩm.

Thương hiệu nhiều sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái đã được khẳng định, nổi tiếng thị trường trong nước và quốc tế, một số sản phẩm nông sản OCOP mang tầm thương hiệu quốc gia, như: chè Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên Trấn Yên; bưởi Đại Minh; quế Trấn Yên; miến đao Quy Mông; Đại Lão Vương trà - Diệp trà Suối Giàng; măng tre Bát độ Trấn Yên...

Đặc biệt, những sản phẩm OCOP của Yên Bái đang là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho người nông dân. Đặc biệt, tạo diện mạo mới, động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, quyết định sự phát triển khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Sản phẩm miến đao của HTX sản xuất, kinh doanh Miến đao Giới Phiên.
Sản phẩm miến đao của HTX sản xuất, kinh doanh Miến đao Giới Phiên.
Người dân thăm quan, mua sắm tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên.
Người dân thăm quan, mua sắm tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong 3 năm qua, các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Qua đó, tạo thành chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Để Chương trình OCOP tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình OCOP; tiếp tục tổ chức rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương, đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh.

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Giống như nhiều địa phương khác, Yên Bái sở hữu nguồn nông sản dồi dào, có chất lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này chưa bao giờ là dễ dàng. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hiệu quả, Thời gian qua, Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, hỗ trợ, xây dựng bảo hộ, khai thác phát triển quyền sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: gạo nếp Lếch - xã Bảo Ái, huyện Yên Bình; rượu thóc La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; hoa hồng Mù Cang Chải; chè Shan tuyết Púng Luông, huyện Mù Cang Chải; nếp lẩu cáy Trạm Tấu...

Chè Shan tuyết Púng Luông được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể.
Chè Shan tuyết Púng Luông được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể.

Cùng với đó, tỉnh quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái; quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ nương Trạm Tấu”. Trước đó, tỉnh cũng đã có rất nhiều sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới các hình thức nhãn chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý bao gồm: Nhãn hiệu chứng nhận đối với cá hồ Thác Bà, gạo nếp Làng Mu - Khánh Thiện, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, khoai sọ nương Trạm Tấu, lợn đen bản địa Trạm Tấu, gà trống thiến Lục Yên, măng mai Lục Yên...Nhãn hiệu tập thể đối với thịt hun khói Mường Lò, chè xanh Hán Đà, gạo nếp 87 Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu... Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Mù Cang Chải, măng tre Bát Độ Yên Bái, chè Shan Phình Hồ.

Với mục tiêu quảng bá, nâng cao thương hiệu hàng Việt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng kênh phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua, Sở Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức các gian hàng, hội chợ thương mại trong và ngoài nước để quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi xác định là hỗ trợ cho các HTX xây dựng hồ sơ về sản phẩm OCOP, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như có khả năng gia tăng giá trị; đồng thời phát triển sản phẩm, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và đặc biệt quan tâm đến công tác môi trường”.

Cụ thể, ngày 16/6/2023, có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã đã được tham gia gian hàng hội chợ tại phố đi bộ Trần Nhân Tông và Công viên Thống Nhất, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2023 của Sở Công Thương. Tại Hội chợ này, hơn 100 sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh được các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu đến tay người tiêu dùng. Nằm trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, tỉnh Yên Bái đã tham gia hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Công viên 23/9, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc sản Yên Bái trên sàn thương mại điện tử Voso.vn
Đặc sản Yên Bái trên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Yên Bái tổ chức Triển lãm “Ảnh đẹp Du lịch Yên Bái” tại Công viên 23/9, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Yên Bái tổ chức Triển lãm “Ảnh đẹp Du lịch Yên Bái” tại Công viên 23/9, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND, phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 2075/KH-SCT ngày 21/11/2021 về triển khai các hoạt động về phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 -2025.

Hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, tập trung kinh phí xây dựng website thương mại điện tử bán hàng với hai ngôn ngữ; hỗ trợ kinh phí tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. Cùng đó, duy trì hoạt động của sàn thương mại điện tử Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đồng thời, tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh và các hội nghị kết nối cung cầu.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với Viettel Yên Bái kết nối link đăng tải 90 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn; phối hợp với Bưu điện tỉnh kết nối link đăng tải 65 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Nhờ đó, đến nay, có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn. Số lượt khách truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái, website Sở Công Thương ngày một tăng và đến nay có hơn 18 triệu lượt truy cập; hỗ trợ đăng tải thông tin 183 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái. Trong năm 2023, công tác xúc tiến thương mại và thương mại điện tử được Bộ Công Thương phê duyệt 2 đề án với tổng kinh phí là 825 triệu đồng; UBND tỉnh phê duyệt tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái trưng bày tại Công viên 23/9, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái trưng bày tại Công viên 23/9, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái còn phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã đưa gần 4.700 sản phẩm đặc trưng, điển hình như: quế Văn Yên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, măng tre Bát độ Trấn Yên, mật ong Mù Cang Chải… lên sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra hướng đi mới cho đồng bào vùng cao phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp nâng cao vị thế, giá trị, danh tiếng, thương hiệu của sản phẩm; thúc đẩy mở rộng sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương.

Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi hình thành các sản phẩm OCOP của tỉnh thì cơ bản là các sản phẩm này đã được chuyển đổi số. Tỉnh đã dành ra một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho các sản phẩm này để đưa lên sàn điện tử và đưa vào các siêu thị lớn”.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết, chính nhờ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà từ chỗ chỉ là những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần của địa phương, đến nay, hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của thành phố, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đều đã tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, từ đó mang lại giá trị cao cho người sản xuất.

PHI LONG/VPTB