Những con người nặng lòng với biên giới

Tổ chức hàng trăm chuyến hàng như áo ấm, mũ len, khăn len, đệm ngủ, xây dựng gần 10 ngôi nhà bán trú cho các cháu học sinh vùng cao và nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” đã mang yêu thương và dành tình cảm đặc biệt cho biên cương Tổ quốc và các em nhỏ vùng cao còn nghèo khó.

Những chiếc áo ấm, mũ len được bà Phan Vũ Diễm Hằng và nhóm thiện nguyện “Ong chăm” trao tận tay các em nhỏ nơi biên giới còn nhiều khó khăn. Ảnh: Kim Nhượng
Những chiếc áo ấm, mũ len được bà Phan Vũ Diễm Hằng và nhóm thiện nguyện “Ong chăm” trao tận tay các em nhỏ nơi biên giới còn nhiều khó khăn. Ảnh: Kim Nhượng

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ trên phố Đội Cấn, thành phố Hà Nội, hằng ngày luôn đầy ắp tiếng cười, những đôi bàn tay của các bà, các cô thoăn thoắt đan những chiếc mũ len nhiều màu sắc. Những chiếc áo ấm đồng phục mới tinh được gấp một cách ngăn nắp, sẵn sàng để gửi lên các đồn Biên phòng, từ đó tỏa đi khắp các điểm trường còn khó khăn trên núi cao. Đa phần những người phụ nữ trong nhóm thiện nguyện “Ong chăm” tuổi đã cao, người là công chức Nhà nước, người là bác sĩ, sĩ quan quân đội, người là giáo viên đã nghỉ hưu, họ chung tay với một mong muốn giúp đỡ các em nhỏ còn gặp nhiều khó khăn nơi biên giới.

Bà Phan Vũ Diễm Hằng sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức tại Hà Nội. Từ nhỏ, bà Hằng đã được thừa hưởng môi trường giáo dục thuận lợi, cha và mẹ của bà đều là những nhà trí thức có tên tuổi. Năm 1975, bà Hằng là nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt giải 3 tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO. Sau đó, bà theo học tại Trường Đại học Quốc gia Moskva (Cộng hòa liên bang Xô Viết cũ). Tốt nghiệp ra trường, bà Hằng về nước công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vốn yêu thích trải nghiệm cuộc sống, luôn quan tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, năm 1997, bà bắt đầu tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển cộng đồng của Liên hợp quốc. Sau khi về nghỉ hưu, bà Phan Vũ Diễm Hằng rất tâm huyết với những chuyến đi tới vùng sâu, vùng xa, các tỉnh biên giới. Trong các chuyến đi, bà đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh vùng cao, sự gian khổ của đội ngũ thầy, cô giáo, những cán bộ, chiến sĩ BĐBP ngày đêm làm nhiệm vụ nơi biên giới với những khó khăn, thiếu thốn.

Sau khi trở về từ những chuyến đi đó, bà Hằng đã ấp ủ, nung nấu một ý tưởng, đó là đóng góp cho sự phát triển của vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều hoạt động sát cánh cùng các thầy, cô giáo cùng những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Nhóm thiện nguyện “Ong chăm” được ra đời từ đó. Theo bà Phan Vũ Diễm Hằng, trong năm đầu, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” đã tặng hơn 36.000 chiếc mũ len cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Không chỉ dừng lại ở những món quà như áo ấm, chăn đệm, mũ len, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” còn quyên góp xây dựng 7 căn nhà bán trú cho các điểm trường vùng cao của tỉnh Hà Giang, đỡ đầu hơn 300 trẻ em mồ côi tại các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa. Ngoài ra, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” còn tặng một số trang thiết bị cần thiết cho trạm Biên phòng với các phần quà hết sức thiết thực như ti vi, quạt điện, dây điện, ắc quy; huy động nguồn lực xây nhà vệ sinh cho một số điểm trường mẫu giáo ở Nậm Pồ (Điện Biên); đưa các cháu khuyết tật đi khám chữa bệnh...

Đặc biệt, trong thời gian cả nước thực hiện cách ly, chống dịch Covid-19, tại các điểm chốt của BĐBP, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” của bà Hằng và các thành viên đã tự làm ruốc, chưng mắm tép, quyên góp tiền ủng hộ các chốt chống dịch trên biên giới.

Chia sẻ về hoạt động tới đây của nhóm thiện nguyên “Ong chăm”, bà Phan Vũ Diễm Hằng cho hay, ngoài những dự án nhỏ hỗ trợ các đồn, trạm Biên phòng, nhóm thiện nguyện “Ong chăm” còn tặng nhiều món quà cho các đồn Biên phòng thực hiện tốt công tác dân vận. Trong nhiều năm qua, bà Hằng luôn miệt mài kết nối cùng Báo Biên phòng thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa.

Bà Phan Vũ Diễm Hằng trải lòng: “Tôi và các thành viên trong nhóm thiện nguyện “Ong chăm” thường xuyên theo dõi tin tức báo chí và nắm được nhiều nơi còn khó khăn, rồi trực tiếp liên lạc với phóng viên Báo Biên phòng nhờ kết nối với chính quyền địa phương, với các đơn vị đóng quân tại địa bàn để giúp đỡ, hỗ trợ”.

Theo bà Hằng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là nhiệm vụ của toàn dân, thế nên người dân ở thành thị đều thấy cần có trách nhiệm đồng hành với BĐBP để chăm lo cho người dân cũng như học sinh nơi biên giới. Thời gian qua, bà Hằng đã liên hệ với các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc cùng chung tay thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều học sinh nghèo ở khu vực biên giới tới trường học tập.

Kim Nhượng

Theo Biên phòng