Trà Việt (khác với các loại trà Tây và trà Tàu):
Trà mạn: Được sử dụng phổ biến nhất trong các loại trà tại Việt Nam. Trà mạn là trà tinh khiết không tẩm ướp thêm các hương vị khác, đã được sao đúng cách, có những tiêu chuẩn tinh tế về búp trà, nước pha trà, ấm pha trà, chén uống trà, cách thức pha trà, cách thưởng trà và người cùng hưởng trà. Tuy nhiên, có một số người thích các hương vị hoa nên tẩm ướp thêm hương hoa như: Hoa Sen (gọi là trà Sen); Hoa Nhài (gọi là trà Nhài); Năm loài hoa Nhài, Sói, Sen, Ngâu và Cúc (gọi là Trà ngũ hương).v.v...
Trà mạn càng thưởng thức càng cảm nhận được hương vị truyền thống, nhấp vào miệng thì cảm nhận vị đắng dễ chịu, sau đó kèm theo vị ngọt, thơm với dư âm kéo dài tạo nên cảm giác khó quên và một đặc trưng mà không loại trà nào có được.
Trà tươi: (chè tươi) là cách uống trà cổ xưa nhất của người Việt; dùng lá chè tươi rửa sạch, vò nhẹ và cho vào nồi nấu, sau đó thưởng thức bằng bát sành lớn, thường là bun bếp lửa (ở các vùng quê). Trà tươi là cách thưởng trà đậm tình làng xóm, làm cho con người thân thiện và gần gũi nhau hơn.
Trà đá: Phổ biến nhất là ở Miền Nam, sau năm 1975 mới lan ra phổ biến tại Miền Bắc. Đây chính là Trà mạn được đổ ra cốc (thường là cốc thủy tinh) cho thêm đá để uống thay nước giải khát.
Cà phê phin: Là Cà phê hạt nguyên chất xay thành bột nhỏ cho vào phin, đặt trên cốc hoặc ly sau đó chế nước sôi đổ vào phin. Cà phê phải là Cà phê sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đa số cho rằng Cà phê ngon là loại Cà phê kết hợp nhiều loại Cà phê khác nhau để đảm bảo cân bằng giữa mùi thơm, vị đắng và vị chua. Người ta thường dùng ly sứ và phin làm bằng inox. Cà phê phin cho ra từng giọt cà phê tinh khiết, thơm ngon, giữ nguyên được hương vị cà phê đầy quyến rũ.
Nước mía: Là cây Mía tươi được dóc vỏ sạch sẽ, cho vào máy ép lấy nước. Để nước Mía có vị thơm người ta thường cho thêm vị Chanh, Quất (ngoài ra còn vị Cam, Cà rốt, Sầu riêng… phụ thuộc vào sở thích của từng người). Nước Mía ép rất thơm, ngon, chứa nhiều Vitamin đa dạng cùng các dưỡng chất tự nhiên, tốt cho sức khỏe, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, bổ sung dinh dưỡng.
Bia hơi: Nhà máy bia Hommel được Pháp xây dựng năm 1890 để sản xuất loại bia hơi riêng phục vụ người Pháp và quan chức Hà Nội thời kỳ đó. Từ năm 1954 đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội, sản xuất ra sản phẩm bia thường gọi là Bia hơi Hà Nội nổi tiếng theo thời gian. Bia hơi Hà Nội là thức uống có màu vàng giống lúa mạch, có gas, khi rót ra xuất hiện bọt rất hấp dẫn và kích thích người uống. Bọt bia màu trắng mịn, dày khoảng 1cm đến 2cm, có thể duy trì trong 1 đến 2 phút. Sau khi bọt tan thì vẫn để lại màng bọt ở thành cốc (đây là điều đặc biệt chỉ có ở Bia hơi Hà Nội). Cảm giác uống bia hơi Hà Nội vào mùa hè thì thật là hào sảng và tuyệt vời. Bia hơi Hà Nội có mùi thơm dịu đặc trưng mà không loại bia nào có thể sánh được.
Rượu nếp: Gạo nếp xay chưa tróc vỏ, ngâm nước và men cho vào nấu như nấu cơm. Sau đó cho gạo đã nấu chín vào lá chuối rửa sạch, ủ men đủ thời gian. Đặc trưng của loại rượu này là vẫn giữ được hương thơm tinh khôi của gạo nếp, nâng chén rượu lên người uống cảm nhận được ngay hương nếp hòa quyện với vị ngọt, nhấp vào cảm thấy thơm đậm đà, làm nao lòng người...
Minh Tuấn