Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, đặc biệt phổ biến vào mùa đông hoặc thời điểm giao mùa. Bệnh thường do virus gây ra, với các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, sổ mũi, đau họng và mệt mỏi. Những đối tượng dễ bị cảm cúm bao gồm người cao tuổi, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Ngoài việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối và luyện tập thể thao đều đặn, việc sử dụng trà thảo mộc để tăng cường sức đề kháng cũng là một giải pháp hiệu quả.
Trà gừng
Gừng chứa gingerol, một hợp chất có tính kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm dịu các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, đau họng. Một nghiên cứu công bố trên Journal of Ethnopharmacology cho thấy gừng có khả năng ức chế sự phát triển của virus cảm cúm. Ngoài ra, cùng với các hợp chất phenolic khác như quercetin và zingerone, gừng thường được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như buồn nôn.
Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy buồn nôn hoặc có các triệu chứng ở mũi, gừng có thể giúp ích.
Cách pha và sử dụng: Lấy 2-3 lát gừng tươi đun sôi với 200ml nước trong 5-7 phút. Có thể thêm mật ong hoặc chanh để tăng hương vị và hiệu quả. Uống ấm, tốt nhất vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ.
Trà xanh
Trà xanh cũng rất tốt trị cảm lạnh và cúm. Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây cho thấy catechin trong trà xanh ngăn ngừa nhiễm trùng cúm một cách hiệu quả. Mỗi tách trà xanh chứa khoảng 150 mg các chất phytochemical (có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm). Tiêu thụ 1-5 tách trà xanh mỗi ngày dường như là lượng lý tưởng để giúp ngăn ngừa cảm lạnh và cúm.
Lưu ý, trà xanh có chứa cafein (khoảng 30 - 50 mg mỗi cốc). Do đó, nên tiêu thụ cafein ở mức độ vừa phải khi bị cảm vì có thể gây lợi tiểu.
Cách pha và sử dụng: Ngâm 1-2 thìa trà xanh khô trong 200ml nước nóng (khoảng 80-85°C) trong 2-3 phút. Không nên pha trà quá lâu để tránh vị đắng. Có thể uống hàng ngày thay nước lọc.
Trà chanh mật ong
Chanh cung cấp lượng vitamin C dồi dào, giúp tăng cường miễn dịch và giảm triệu chứng viêm họng. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, giúp làm dịu cơn ho và cải thiện tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Kết hợp chanh và mật ong tạo ra loại trà giàu dưỡng chất, giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi và làm dịu cơ thể.
Cách pha và sử dụng: Hòa 1 thìa mật ong và nước cốt 1/2 quả chanh vào 200ml nước ấm. Uống ngay khi còn ấm, tốt nhất vào buổi sáng hoặc sau khi đi ngoài trời lạnh về.
Trà hoa cúc
Hoa cúc đã được sử dụng trong y học trong hàng ngàn năm. Ngày nay, nhiều người vẫn dùng trà hoa cúc để thư giãn. Tuy nhiên nghiên cứu về lợi ích của hoa cúc vẫn còn khiêm tốn. Một số nghiên cứu cho thấy hoa cúc có thể giúp giảm lo lắng và làm dịu cơn đau dạ dày.
Một đánh giá năm 2019 cho thấy hoa cúc có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người không bị mất ngủ. Hít hơi nước với chiết xuất hoa cúc giúp giảm triệu chứng cảm lạnh.
Các thành phần trong trà hoa cúc có thể không làm giảm các triệu chứng cảm lạnh cụ thể, nhưng có khả năng cải thiện giấc ngủ để bạn phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, uống chất lỏng ấm làm dịu cơn đau họng.
Cách pha và sử dụng: Dùng 2-3 bông hoa cúc khô, ngâm trong 200ml nước sôi trong 5 phút. Có thể thêm một chút mật ong để tăng hương vị. Uống ấm trước khi đi ngủ.
Trà tía tô
Lá tía tô chứa perilla aldehyde và limonene, các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và chống viêm. Một nghiên cứu tại Nhật Bản trên Biological & Pharmaceutical Bulletin đã chỉ ra rằng tía tô giúp giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng và tăng cường miễn dịch. Tía tô đặc biệt hữu ích trong việc làm ấm cơ thể, giảm nghẹt mũi và đau họng.
Cách pha và sử dụng: Lấy 10-15 lá tía tô tươi, đun sôi với 300ml nước trong 10 phút. Uống ấm, có thể dùng hàng ngày để phòng ngừa cảm cúm.
Trà bạc hà
Bạc hà chứa menthol - một chất long đờm tự nhiên, giúp làm sạch chất nhầy khỏi đường thở. Tinh dầu trong trà bạc hà không chỉ giúp giảm nghẹt mũi mà còn giúp giảm đau họng. Ngoài ra theo kinh nghiệm dân gian, lá bạc hà còn được dùng để nấu nước xông giải cảm trong các bài thuốc cổ truyền.
Cách pha và sử dụng: Dùng 10 lá bạc hà tươi, đun sôi với 200ml nước trong 5-7 phút. Uống ấm, có thể thêm mật ong để tăng hương vị.
Trà rễ cam thảo
Rễ cam thảo là một thành phần được sử dụng trong y học cổ truyền. Đôi khi, nó được sử dụng dưới dạng viên ngậm để giúp trị đau họng.
Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng cam thảo có chứa flavonoid và triterpenoid có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm và kháng virus. Thành phần hoạt chất chính là glycyrrhizin, có thể giúp ngăn ngừa và điều trị virus cúm. Rễ cam thảo cũng có thể giúp giảm các triệu chứng tiêu hóa.
Cách pha và sử dụng: Lấy 5g cam thảo khô, đun sôi với 300ml nước trong 10 phút. Uống ấm, không nên uống quá nhiều vì cam thảo có thể gây tăng huyết áp nếu dùng quá liều.
Việc sử dụng các loại trà thảo mộc để ngăn ngừa cảm cúm không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn là một phương pháp an toàn, dễ thực hiện. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên kết hợp uống trà với chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Những loại trà này không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn mang lại cảm giác thư thái, ấm áp trong mùa lạnh.