Một tách trà cho mỗi ngày không những giúp bạn nâng cao sức đề kháng cho cơ thể mà còn phòng chống được rất nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, bạn phải biết những thời điểm thích hợp uống trà để phát huy hết công dụng của nó.
Uống trà theo nhu cầu cơ thể: Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều loại trà khác nhau ứng với từng vấn đề sức khỏe. Hầu hết trà đều tốt cho hệ tiêu hóa, một số lại thiên về làm đẹp da hoặc bồi bổ thần kinh. Dưới đây là công dụng nổi bật của từng loại trà:
Nếu bạn tiêu hóa kém: Trà xanh là thức uống dành cho bạn. Một chén trà xanh không quá đặc với nồng độ caffeine vừa phải sẽ giúp lọc sạch hệ tiêu hóa, tăng cường hoạt động của quá trình trao đổi chất, làm bạn cảm thấy sảng khoái hơn sau một bữa ăn no hoặc nhiều ngày đầy bụng, đại tiện khó khăn.
Nếu bạn hay thức khuya: Hãy thường xuyên uống trà hoa cúc. Đây là loại trà rất tốt cho hệ thần kinh, giúp xoa dịu trí óc khỏi cảm giác choáng váng, căng thẳng và thiếu tập trung do thức đêm gây ra.
Nếu bạn đang stress: Trà hãm với một vài lá tía tô là phương pháp điều trị cho bạn. Stress sẽ biểu hiện ra ngoài cơ thể như làm da xấu và sạm đi, khó ngủ, hay gắt gỏng… Lúc này, một tách trà tía tô sẽ giải độc cho cơ thể, làm dịu tinh thần và thể chất, trả lại cho bạn làn da trắng sáng và rạng rỡ.
Nếu bạn buồn nôn: Cảm giác buồn nôn phần lớn đến từ việc khó tiêu, khi bạn ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc đạm. Lúc này, uống một tách trà gừng là cách hữu hiệu để đánh bay cơn buồn nôn. Hơi nóng của gừng sẽ đem lại cảm giác dễ chịu tức thời, mặt khác thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp việc xử lý thức ăn trong bụng được thuận lợi và bạn sẽ không còn chướng bụng, buồn nôn nữa.
Nếu bạn đang đầy bụng, bụng to, chướng: Hãy uống trà bạc hà 30’ trước khi đi ngủ. Sau 1 đêm, bạc hà sẽ giúp bạn tiêu hóa lượng thức ăn còn tồn đọng trong bụng. Ngoài ra, loại trà này còn xử lý tình trạng tích nước và độc tố ở ổ bụng, cho bạn một vòng 2 phẳng sau khi thức dậy. Đây cũng là bí quyết làm nhỏ vòng 2 cấp tốc sau 1 đêm.
Thời điểm uống trà thích hợp nhất?
Thời điểm uống trà thích hợp nhất là khi vừa thức dậy, sau bữa ăn ít nhất 30’ và trước khi đi ngủ ít nhất 30’. Ngoài ra có một số trường hợp bạn nên dùng trà thay thế nước ngọt, nước tăng lực, nước trái cây hoặc các loại giải khát khác như:
Sau khi ăn nhiều dầu mỡ: Thông thường cơ thể cần tới 4 tiếng đồng hồ để tiêu hóa các thực phẩm giàu mỡ. Lúc này trà là trợ thủ đắc lực giúp bạn tiêu hóa nhanh hơn, chống cảm giác ngán ngấy và đầy bụng.
Sau khi ăn mặn: Ăn mặn làm lượng muối trong cơ thể tăng cao, bạn cần uống trà để trung hòa cơ thể và nhanh chóng bài tiết lượng muối dư thừa. Việc này còn được chứng minh là góp phần giảm nguy cơ ung thư.
Sau khi vận động, ra mồ hôi: Mồ hôi ra nhiều sẽ khiến bạn mất đi một lượng nước đáng kể và có cảm giác choáng váng, mệt mỏi. Trà là cách tốt nhất để cấp nước cho cơ thể, giảm nồng độ của máu, giảm sự đau nhói của các bắp thịt do vận động quá mức. Lời khuyên cho các bạn tập gym là: Hãy đem theo một bình trà trong khi tập, uống xen kẽ lúc tập sẽ giúp bạn bớt mệt và tập “hăng” hơn.
Những lưu ý khi uống trà
Trà rất tốt cho sức khoẻ, nhưng ngoài các tác dụng tốt đó, nếu uống trà không đúng cách thì lại gây hại, vì thế, khi uống trà cần tránh những điều sau:
- Đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao: Khi đó, chất tanin trong trà bị hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi, đồng thời vitamin C, cũng như các dưỡng chất khác bị phân hủy, gây hại cho sức khỏe. Nước pha trà chỉ nên khoảng 80 độ C. Nhiều người có sở thích uống một chén trà nóng, mà không biết rằng nhiệt độ quá cao của trà có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản. Ngược lại, bạn không nên để trà đã nguội lạnh rồi mới uống, dễ gây lạnh bụng.
- Uống trà đặc: Trà đặc đồng nghĩa với lượng tanin rất cao. Khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu. Trà đặc giàu caffeine còn gây đau đầu và mất ngủ.
- Uống trà lúc đói: Sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.
- Uống trà trước và ngay sau bữa ăn: Protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanna sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Lý do này mà trước và sau bữa ăn 20 - 30 phút không nên uống trà.
- Uống nước trà để lâu: Để lâu, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, gây khó chịu và không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric. Trà ngâm quá lâu còn tiết ra polyphenyles tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà. Không những thế, nếu trà hãm trong nước ấm quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.
- Dùng nước trà để uống thuốc: Trong trà có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất tannin khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu. Khi uống nước trà phải cách xa giờ uống thuốc có sắt, có alcaloid (như mã tiền, cà độc dược...), có aspirin, ibuprofen, warfarin, paracetamol, phenylpropanolamin, ephedrin, phenytoin, methotrexat. acid folic, nadolol.
Lê Nhân