Những thương hiệu Việt “vang bóng một thời”

Sau hành trình hội nhập và phát triển của Việt Nam, hệ sinh thái doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể. Sự thành công này không thể thiếu sự đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp bao gồm cả khối Nhà nước và tư nhân.

Nhiều kinh nghiệm, bài học đã được rút ra từ những thương hiệu vang bóng như Giày Thượng Đình, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Sá xị Chương Dương, Vang Thăng Long,… Có những thương hiệu vẫn tồn tại và phải đối mặt không ít cạnh tranh trên thị trường, song không ít dần trôi vào quên lãng.

Những thương hiệu Việt “vang bóng một thời”  - Ảnh 1

Giày Thượng Đình 

CTCP Giầy Thượng Đình (mã GTD) được thành lập từ năm 1957, tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân khu - Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1993, công ty chính thức đổi tên thành Giày Thượng Đình và trở thành thương hiệu được nhớ đến bởi người tiêu dùng Việt.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu giày dép hàng hiệu như Adidas, Nike,..., Giày Thượng Đình đã mất hoàn toàn sức cạnh tranh trên thị trường trong nhiều năm.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của năm 2021, công ty đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 770 triệu đồng. Mặc dù lỗ đã giảm so với giai đoạn 2019-2020 khi lỗ đậm hơn chục tỷ đồng, nhưng Giày Thượng Đình đã ghi nhận lỗ trong 5 năm liên tiếp tính đến cuối năm 2021 với số lỗ luỹ kế gần 50 tỷ đồng.

Điểm tựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có thể chỉ là quỹ đất của công ty, tọa lạc tại các vị trí đông đúc của Hà Nội, như khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh tại đây lại không hiệu quả, với chi phí bình quân tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất... hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.

Bóng đèn, phích nước Rạng Đông

Các sản phẩm như bóng đèn và phích nước của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng từ thời bao cấp và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường.

Những thương hiệu Việt “vang bóng một thời”  - Ảnh 2

Năm 2022, Rạng Đông đã đạt doanh thu thuần 6.910 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước. Lãi sau thuế đạt 486 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và là mức lãi kỷ lục. Đáng chú ý, EPS năm 2022 của Rạng Đông đạt 21.196 đồng, lọt vào top những cổ phiếu có EPS cao nhất trên sàn niêm yết. Kết quả này được đạt được nhờ vào kinh doanh thuận lợi trong quý 4/2022, với sự tập trung vào tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và chuyển đổi mô hình kinh doanh, triển khai mô hình DBM – O2O.

Trong quý 4/2022, lãi sau thuế của Rạng Đông đạt 210 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và là con số lãi theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết. Rạng Đông cũng được biết đến với chính sách chia cổ tức “đều như vắt tranh” với tỷ lệ lên đến 50% mỗi năm.

Sá xị Chương Dương

Nước giải khát Chương Dương (mã SCD) từng là thương hiệu dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với sản phẩm sá xị nổi tiếng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các đối thủ lớn mạnh, thị phần của SCD đã bị đánh mất nhanh chóng. Quý 4/2022, Sá xị Chương Dương ghi nhận thua lỗ, kéo dài chuỗi thua lỗ lên tới 8 quý liên tiếp kể từ quý 1/2021.

Tổng doanh thu năm 2022 của SCD đạt 169 tỷ đồng, trong khi lỗ ròng đạt mức kỷ lục 49 tỷ đồng. Tính chung 2 năm 2021-2022, công ty lỗ hơn 85 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ. Hiện tại, Chương Dương đang là công ty con của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đang tìm kiếm các giải pháp như thay thế nguyên liệu, tối ưu năng suất lao động và tăng độ phủ trên các kênh trực tuyến để khắc phục kết quả thua lỗ.

Mì Miliket  

Ngoài SCD, một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng khác là mì ăn liền Miliket của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (mã: CMN) cũng không thể bỏ qua. Mì Miliket với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Những thương hiệu Việt “vang bóng một thời”  - Ảnh 3

Tuy nhiên, như nhiều thương hiệu khác, Miliket đang đối mặt với áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ lớn trong và ngoài nước như Mì 3 miền, Vina Acecook, Asia Food, Masan... Dẫn đến thương hiệu này đã mất dần vị thế của mình.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu của Miliket đạt gần 572 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 36% so với năm 2020. Đây cũng là mức lãi thấp nhất kể từ năm 2009 của thương hiệu mì nổi tiếng này.

Trong năm 2022, cổ đông của CMN đã nhận được chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 17%, mức chi trả thấp nhất trong 4 năm gần đây do không đạt được mục tiêu lợi nhuận. Trước đó, công ty thường chi trả cổ tức với tỷ lệ cao từ 28% đến hơn 33% qua các năm 2018-2021.

Vang Thăng Long 

Công ty Vang Thăng Long (mã VTL) là một trong những doanh nghiệp hết thời "hoàng kim" khác, bị thương hiệu nhập khẩu "tấn công" và trở nên lép vế. Năm 2022, doanh thu của công ty đạt gần 78 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ so với năm 2021 và ghi nhận thua lỗ hơn 11 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020 khi xuất hiện đại dịch Covid-19, VTL từng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục hơn 15 tỷ đồng và có lãi trở lại 400 triệu đồng năm 2021. Tính đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của công ty đã xấp xỉ 39 tỷ đồng.

"Pin Con Thỏ"  

Trong lĩnh vực sản xuất pin, ai cũng không thể quên những viên pin in chữ "Con Thỏ" của CTCP Pin Hà Nội (Habaco, mã: PHN), sản phẩm huyền thoại từ thời bao cấp khi điện vẫn được coi là một thứ hàng hóa xa xỉ.

Với xuất khẩu ổn định qua các thị trường Lào, Campuchia và việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Á, Châu Phi, Nam Phi và Mỹ thông qua cổ đông chiến lược, Habaco vẫn giữ được kết quả kinh doanh tốt và đứng vững trên thị trường cạnh tranh.

Doanh thu của Habaco đều đặn trong khoảng 300-370 tỷ đồng mỗi năm từ 2016 đến 2021. Tuy nhiên, năm 2022, kết quả kinh doanh của Habaco bứt phá với doanh thu đạt mức 461 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ và lãi ròng gần 37 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023, chủ quản nhãn hiệu Pin Con Thỏ đặt kế hoạch doanh thu đạt 444 tỷ đồng và lãi trước thuế 37,6 tỷ đồng.

Diêm Thống Nhất  

Diêm Thống Nhất đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước đây. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của bật lửa gas, ngành sản xuất diêm đã dần bị thay thế và mất thị phần.

Hiện nay, Diêm Thống Nhất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và đã không còn được giao dịch trên sàn UPcom từ cuối năm 2020 sau khi cổ phiếu DTN bị hủy đăng ký giao dịch. Trong những năm gần đây, lợi nhuận kinh doanh của Diêm Thống Nhất đã giảm sút đáng kể và chỉ đạt khoảng dưới 3 tỷ đồng, năm 2019 kết quả lãi chỉ xoay quanh con số 1 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cần phải thích nghi với sự thay đổi trong cuộc sống và có chiến lược phù hợp để vượt qua áp lực cạnh tranh trên thị trường.

Xà bông Cô Ba

Ông Trương Văn Bền, cha đẻ của xà bông Cô Ba, sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Ông được xem là một trong những “huyền thoại doanh nhân” Việt Nam với nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó thành công nhất là với thương hiệu xà bông Việt Nam. Năm 1932, nhà máy sản xuất xà bông được phát triển trên nền tảng các xưởng dầu của ông Bền, và sản phẩm đã phát triển mạnh mẽ nhờ chiến lược marketing hiện đại.

Những thương hiệu Việt “vang bóng một thời”  - Ảnh 4

Thương hiệu này đã được giữ vững trong gần nửa thế kỷ, sau đó được đổi tên thành Phương Đông khi liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble vào năm 1995. Thương hiệu này đã bị hai tập đoàn đa quốc gia là P&G và Unilever thâu tóm để giảm thiểu cạnh tranh. Năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền đã chi gần 214 tỷ đồng để nắm giữ 30,88% vốn của xà bông Cô Ba với hy vọng hồi sinh thương hiệu này, tuy nhiên hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành.

Hiện tại, mục đích chính của thương vụ này là thâu tóm quỹ đất của Phương Đông, và thương hiệu xà bông Cô Ba đang được phân phối lẻ tẻ ở miền Tây Nam Bộ.

Bảo An (t/h)