Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè Việt Nam sang thị trường Nga trong bối cảnh khó khăn do Covid

Nửa đầu năm 2021, chè của Việt Nam xuất khẩu sang Nga giảm cả về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ năm trước. Để thúc đẩy xuất khẩu chè Việt Nam sang Nga trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.

Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam sang Liên bang Nga

Liên bang Nga là một trong 10 nước tiêu dùng chè nhiều nhất thế giới và xếp ở vị trí thứ 3 về tiêu thụ chè lớn nhất thế giới trong năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu chè của Nga chiếm 6,2% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu. Tiêu thụ chè bình quân ở Nga hiện nay vào khoảng 1,1 kg/người/năm. Hiện nay, dung lượng tiêu thụ mặt hàng chè của thị trường Nga ước tính khoảng 170.000 -180.000 tấn/năm. Trong khi, ngành sản xuất chè của Nga gần như không phát triển do thiếu nguồn nguyên liệu.

Trong các thị trường xuất khẩu nông sản mục tiêu của Việt Nam, Liên bang Nga luôn được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta từ những năm 90 đến nay, nhất là đối với các sản phẩm như cà phê, hạt tiêu, chè, rau, quả, gạo… Từ năm 1954 cho đến năm 2000, thị trường Nga nói riêng và Liên Xô cũ nói chung là thị trường tiêu thụ chè chủ yếu của Việt Nam, cả về chè xanh đóng túi nhỏ và chè đen.

Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, do Nga bảo hộ ngành đóng gói trong nước nên chè đóng túi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã giảm sút đáng kể, tỷ trọng xuất khẩu chè vào Liên bang Nga trong tổng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm dần từ năm 2009 (từ 15,2% năm 2009 xuống còn 11,1% trong 8 tháng đầu năm 2016).

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè Việt Nam sang thị trường Nga trong bối cảnh khó khăn do Covid - Ảnh 1

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu chè của Nga trong giai đoạn năm 2016 – 2020 có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này giảm 1,9% về lượng và giảm 6,8% về trị giá.

Trong năm 2020, nhập khẩu chè của Nga đạt 151,5 nghìn tấn, trị giá 412,6 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với năm 2016. Giá trung bình chè nhập khẩu của Nga trong giai đoạn năm 2016 – 2020 giảm dần từ 3.335,1 USD/tấn trong năm 2016, xuống còn 2.723,2 USD/tấn trong năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu chè của Nga có dấu hiệu phục hồi, đạt 52,3 nghìn tấn, trị giá 152,2 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 13,4% về trị giá. Giá nhập khẩu chè bình quân của Nga đạt 2.907,1 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nga tăng mạnh nhập khẩu chè từ nhiều thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2021, trong khi đó giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 4 nghìn tấn, trị giá 6,7 triệu USD, giảm 18,9% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 1.684,4 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6%, giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chè Việt Nam sang Nga

Lý giải về nguyên nhân chè Việt Nam kém sức hút tại Nga, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp.

Vì thế, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất, để đưa các sản phẩm chè sơ chế vào chế biến, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tuy trị giá và lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu chè đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Nga trong thời gian tới. Bởi truyền thống uống chè ở Nga vẫn đảm bảo cho thị trường chè tăng trưởng ổn định trong tương lai trung và dài hạn.

Thêm nữa, thương hiệu Chè của Việt Nam vẫn chưa được khẳng định trên thị trường chè ở Nga. Nếu không sớm có một định hướng cụ thể, thì các nhà xuất khẩu chè Việt vào Nga chỉ là những nhà cung cấp nguyên liệu và thương hiệu chè Việt không có chỗ đứng trên thị trường này. Điều đó cũng đồng nghĩa chè Việt xuất khẩu vào Nga sẽ chưa có bước phát triển đột phá và bền vững. 

Như vậy, để có thể tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu chè vào Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho công tác phát triển thị trường như: nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng - quảng bá thương hiệu tại các hội chợ triển lãm thực phẩm, đồ uống, hội chợ chuyên ngành tại LB Nga, tiến tới tổ chức kênh giới thiệu, phân phối sản phẩm chè có thương hiệu tại thị trường. Đây là khâu mà các doanh nghiệp Sri-lanka, Ấn Độ, Trung Quốc hiện đang làm rất tốt.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này, khi thuế suất về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Với lợi thế từ Hiệp định Việt Nam - EAEU, chè Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nga và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Indonesia, Ấn Độ, Srilanca, do các nước này chưa có đàm phán với Liên minh Hải quan. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh

Từ khóa: