Nông dân huyện Lương Sơn mong muốn thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch

Hiểu được rõ những lợi thế vốn có của địa phương trong việc thúc đẩy kinh tế hộ gia đình cũng như tiềm năng thực hiện các hoạt động về du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp, kinh tế vườn, chăn nuôi... đang là hướng đi, mong muốn “thấu đáo” của nhiều bà con nông dân ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Nhiều hộ gia đình đã bắt tay vào triển khai, bên cạnh những thuận lợi thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các cấp chính quyền quan tâm đưa ra những chính sách phù hợp để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Cần thúc đẩy vai trò kinh tế hộ gia đình

Có thể nói, kinh tế hộ gia đình là một lực lượng sản xuất quan trọng ở nông thôn Việt Nam, trong đó có khu vực của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” được thực hiện, với mục đích giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao đất đai và các tư liệu sản xuất khác cho hộ nông dân quản lý, sử dụng lâu dài thì các hộ nông dân đã trở thành những đơn vị tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, tức hộ gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở (gọi là kinh tế hộ gia đình).

Mô hình vườn mẫu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Điền ở thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là hộ gia đình điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Mô hình vườn mẫu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Điền ở thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là hộ gia đình điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hiện nay, kinh tế hộ gia đình có cơ hội, điều kiện phát triển mạnh mẽ khi các địa phương trên cả nước nói chung và huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nói riêng đang thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 tính đến hết năm 2022, huyện Lương Sơn có 10/10 xã cơ bản giữ vững 19/19 tiêu chí xã NTM, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.

Phải khẳng định, xây dựng NTM là nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn là những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Nói về kinh tế hộ gia đình tiêu biểu trên địa bàn huyện Lương Sơn thì mô hình vườn mẫu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Điền ở thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là hộ gia đình điển hình với tổng diện tích khoảng 6.000 m2, trong đó có khoảng 400 m2 là diện tích đất nhà ở và khoảng hơn 5.600 m2 diện tích đất vườn phục vụ cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Kinh tế hộ gia đình là vườn mẫu VAC (vườn, ao, chuồng), sản xuất cây trồng ăn quả là chủ yếu, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn và gà.

Ông Nguyễn Văn Điền chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình của gia đình mình.
Ông Nguyễn Văn Điền chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình của gia đình mình.

Ông Nguyễn Văn Điền cho biết: “hộ gia đình nhà tôi mua mảnh đất để phát triển kinh tế hộ gia đình từ những năm 90, về định hình mô hình vườn thì đến năm 2010 mới cơ bản khi đào ao, trồng cây ăn quả, chuồng trại; phát triển đến năm 2022 thì được công nhận là vườn mẫu. Quá trình gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình làm nông nghiệp khó khăn nhất vẫn là về nguồn vốn đầu tư, tiếp đến nguồn đầu vào phục vụ sản xuất cũng khó khăn như con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón... đặc biệt nguồn bao tiêu sản phẩm”.

“Để mà phát triển kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch thì kinh tế hộ nhà tôi rất khó, bởi khuân viên đất có giới hạn không thể phát triển gì thêm; để phát triển hơn chỉ có thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Bây giờ, mình mà có đất đai rộng, khoảng đôi ha thì quy hoạch, phát triển từng hạng mục cây ăn quả, cây hoa, các điểm nghỉ ngơi để sau này phát triển được du lịch cộng đồng thì rất tốt...”, ông Điền cho hay.

Mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên được hình thành và phát triển từ kinh tế hộ gia đình.
Mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên được hình thành và phát triển từ kinh tế hộ gia đình.

Cũng bắt nguồn từ mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp đã hình thành lên nhiều tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn. Tiêu biểu nhất phải kể đến Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa thuộc xã Cư Yên đến nay đã có 9 năm sản xuất mô hình trồng rau sạch, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho 18 thành viên với mức thu nhập ổn định theo từng tháng.

Đại diện Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa chị Hoàng Bích Thùy nói về quá trình hình thành tổ hợp tác: “ Tổ hợp tác rau của chúng tôi được thành lập từ năm 2014, bắt nguồn từ những hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hay còn gọi là kinh tế hộ gia đình; trước đây các hộ gia đình chủ động sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình... Đến khi được các cấp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về trồng rau hữu cơ, cùng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân, Hội khuyến nông thì bà con mới gom đất vào để cùng nhau sản xuất rau hữu cơ theo mô hình Tổ hợp tác”.

Câu chuyện sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch

Thực tế, nói về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thì hầu hết các hộ kinh tế gia đình trên địa bàn huyện Lương Sơn đều băn khăn về giá cả; bởi lẽ, giá trị của sản phẩm nông nghiệp mà họ sản xuất chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, chưa nâng tầm giá trị. Chính vì thế, nhiều nông dân đã phát triển kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hướng tới kết hợp du lịch, cung cấp các dịch vụ thu hút khách tham quan, trải nghiệm kèm theo bán sản phẩm nông nghiệp.

Hộ gia đình chị Hoàng Thị Nga ở xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên đã nhận thấy tiềm năng việc phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch trên chính diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình.
Hộ gia đình chị Hoàng Thị Nga ở xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên đã nhận thấy tiềm năng việc phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch trên chính diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình.

Dù mới lên ý tưởng, triển khai thực hiện phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất nông nghiệp, mô hình vườn hoa, cung cấp một số dịch vụ du lịch cho khách tham quan, nghỉ ngơi, chụp ảnh... được một thời gian ngắn nhưng hộ gia đình chị Hoàng Thị Nga ở xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên đã nhận thấy tiềm năng việc phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch trên chính diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình.

Chị Nga chia sẻ: “mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng vườn hoa để thu hút khách đến vui chơi, chụp ảnh, gia đình mới triển khai được vài tháng; mới đầu khi hoa nở cũng thu hút được một lượng khách nhất định đến chụp ảnh nhưng sau hoa héo hết, mình lại mất thời gian trồng lại từ đầu và không đón khách được. Về ý tưởng kết hợp sản xuất nông nghiệp, vườn hoa với du lịch, gia đình đã có từ lâu, định hướng phát triển lâu dài thì gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích trồng hoa để vườn lúc nào cũng có hoa phục vụ đón khách; khách du lịch có nhu cầu cắm trại, mình sẽ có khu đất trống để khách cắm trại và trại khách có thể tự mang hoặc thuê của nhà vườn, kèm theo đó gia đình phục vụ thêm gà, vịt để khách cắm trại nướng, các sản phẩm nông nghiệp vườn tự trồng là ngô, rau...”.

Chị Hoàng Thị Nga chia sẻ về những băn khoăn của gia đình trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch. 
Chị Hoàng Thị Nga chia sẻ về những băn khoăn của gia đình trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch. 

“Gia đình rất muốn làm mô hình vườn hoa, sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, bởi bản thân nhận thấy tiềm năng của địa phương khi có cảnh quan thiên nhiên núi rừng, sông nước, không khí trong lành... nhưng thực sự vẫn chưa dám đầu tư nhiều, bởi lẽ một phần khó khăn nguồn vốn đầu tư và quan trọng hơn đất này chỉ thuê được 5 năm nên gia đình rất sợ khi đã đầu tư vốn vào phát triển nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì lại hết thời gian thuê đất. Việc phát triển du lịch thì ít nhất phải có chỗ che nắng, che mưa, nghỉ ngơi cho khách đến vườn và vấn đề xây dựng các chòi tạm hay nhà tạm trong khuân viên cũng gặp vấn đề khó vì đất này vẫn là đất nông nghiệp...”, chị Nga băn khoăn nói.

Chị Hoàng Bích Thùy – Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên cũng mong muốn đưa Tổ hợp tác phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, đón khách tham quan trại nghiệm. 
Chị Hoàng Bích Thùy – Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên cũng mong muốn đưa Tổ hợp tác phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, đón khách tham quan trại nghiệm. 

Cùng chung với những băn khoăn của chị Nga trong vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, chị Hoàng Bích Thùy – Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên cho biết thêm: “Mình cũng đi tham quan rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, kể cả kinh tế hộ gia đình người ta cũng đầu tư kết hợp với du lịch được, ý tưởng trồng rau sạch hữu cơ kết hợp với du lịch vui chơi, trải nghiệm cũng là hướng đi của Tổ hợp tác và Tổ cũng đang manh nha trồng hoa sen để thu hút khách, trồng các loại cây bóng mát nhưng một mình Tổ thì không thể làm được phải cần có bên chính quyền. Để làm được du lịch, mình cũng phải có cái nhà để người ta có nơi nghỉ ngơi về tham quan thì mới thu hút được khách; trước được huyện cho đi tham quan mô hình ở Hội An, khách du lịch người ta đến mua rau trực tiếp, họ nghỉ ngơi, vui chơi rất là hiệu quả; điều quan trọng mình vẫn phải có chỗ nghỉ ngơi, ví dụ như cái nhà sàn, nhà tạm để mọi người ăn uống, nghỉ ngơi ở đó...”.

Bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch thì nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã tạo dựng được chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp địa phương và phát huy được nét đẹp văn hóa người Mường trên địa bàn huyện Lương Sơn. Việc tạo chuỗi liên kết đã giúp đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người dân địa phương nơi đây.

Nói về việc tạo chuỗi liên kết giữa nông nghiệp, du lịch và văn hóa chị Nguyễn Thị Hải Yến – người làm du lịch ở xã Nhuận Trạch cho biết, làm về du lịch ở địa phương thì mình lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân để phục vụ khách du lịch, từ các loại như: rau, củ, quả, trứng gà, gà thịt... vừa là thực phẩm tươi ngon tại chỗ, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; tạo thành một chuỗi liên kết cung ứng, đảm bảo đầu ra ổn định sản phẩm nông nghiệp trong hoạt động du lịch. Những tiết mục văn nghệ, hoạt động văn hóa xứ Mường cũng được biểu diễn do chính người nông dân, bà con khu vực biểu diễn, quảng bá tới khách du lịch để nâng tầm du lịch huyện Lương Sơn.

Tú Vũ - Vũ Cừ