Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, tạo cơ hội để các bên đối thoại, đề xuất và kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững. Đây là cơ hội để các bên liên quan đối thoại, trao đổi và đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Thực tế cho thấy, dù 90% nông dân Việt Nam canh tác trên quy mô dưới 1 ha nhưng chỉ 20% sản lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chuẩn hóa, ngân hàng và nhà khoa học chưa tiếp cận được với người sản xuất. Sự thiếu liên kết này đã gây ra nhiều khó khăn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh thương mại.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ việc tái định hình mô hình hợp tác chiến lược giữa 5 nhà: Nhà nước (chính sách), ngân hàng (tín dụng xanh), nhà khoa học (công nghệ), doanh nghiệp (đầu tư, tiêu thụ) và nông dân (chủ thể đổi mới) đang mở ra những hướng đi mới đầy hứa hẹn.
Cụ thể, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Các hình thức hợp tác và liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản ngày càng phát triển về quy mô và hiệu quả, với hàng ngàn dự án và kế hoạch liên kết được phê duyệt trên cả nước.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam
TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ, nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mặt khác ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước,... ảnh hưởng đến nông nghiệp xanh. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.
Hiện nay, các nhà sản xuất phân bón đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Tiêu thụ năng lượng của các nhà máy ammonia đã giảm hơn 15% trong thập kỷ qua. Một số công ty phân bón bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình Haber-Bosch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế.
Chương trình có sự đồng hành của HDBank, Agribank, Nam A Bank, Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Tâp đoàn Quế Lâm …
Nhiều công ty sản xuất urea trên thế giới và tại Việt Nam đã thu hồi CO2 từ khí thải trong quá trính sản xuất dùng để sản xuất urea, thí dụ PVFCCo và PVCFC mỗi năm thu hồi được 40.000 tấn CO2. “Song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh, vừa giúp tăng năng suất chất lượng nông sản cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là hướng tiếp cận cần được tăng cường phát triển”- TS Phùng Hà cho hay.
PV