Petrolimex (PLX) chào bán 120 triệu cổ phiếu PG Bank

Petrolimex dự kiến chào bán 120 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% vốn điều lệ tại PG Bank với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Petrolimex (PLX) chào bán 120 triệu cổ phiếu PG Bank - Ảnh 1

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (Petrolimex, mã PLX - sàn HoSE) thông qua phương án chào bán cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã PGB - UPCoM).

Theo đó, Petrolimex dự kiến chào bán 120 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% vốn điều lệ tại PG Bank với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Thời gian dự kiến theo quy chế đấu giá chào bán cổ phiếu ra công chúng và thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực.

Được biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, cổ phiếu PGB đang giao dịch vùng 17.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính giá chào bán của Petrolimex đang cao hơn 25,3% so với giá thị trường đang giao dịch của cổ phiếu PGB.

Theo tìm hiểu, tính tới 31/12/2022, PG Bank chỉ có 1 cổ đông lớn là Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ và còn lại 60% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Thêm nữa, PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập ngày 13/11/1993. Năm 2007, Ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex. Tính tới 31/12/2021, PG Bank đang có 80 điểm giao dịch trong đó 1 trụ sở chính và 16 chi nhánh trên cả nước.

Tính riêng quý IV/2022, doanh thu của Petrolimex đạt 74.223 tỷ đồng, tăng 50% so với quý cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ, tăng 76% và là kết quả cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.

Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá tăng sốc, giảm sốc, lặp đi lặp lại nhiều lần chưa từng có tiền lệ do chịu tác động của các yếu tố địa chính trị, nhất là kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20 - 30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu dầu thô để phục vụ hoạt động sản xuất xăng dầu thành phẩm của hai Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn, nên các biến động trên thị trường thế giới trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.

Trong khi đó, công tác điều hành thị trường xăng dầu trong nước chưa kịp thích ứng đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nguồn cung và/hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, nhu cầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex

Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2022 đạt 13.759.290 m3/tấn, vượt 13% kế hoạch và tăng 11% so với năm 2021.

Về triển vọng năm 2023, trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của Petrolimex sẽ phục hồi mạnh lên khoảng 3.400 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức đáy 2022 nhờ giá dầu cũng như chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Cùng với đó, việc Nhà nước điều chỉnh tăng các chi phí định mức trong công thức tính giá bán lẻ xăng dầu sẽ có tác động rõ ràng hơn trong năm 2023.

Theo các chuyên gia, thị phần của Petrolimex có thể tiếp tục cải thiện trong những năm tới do các cửa hàng nhỏ lẻ có xu hướng chuyển sang mua của các đầu mối lớn với nguồn cung ổn định. Các mảng kinh doanh khác như nhiên liệu bay hay nhựa đường có thể được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa và đầu tư công.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) nếu thành công cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận bất thường cho công ty trong năm tới. Tại cuối tháng 9/2022, Petrolimex ghi nhận giá trị đầu tư hơn 1.796 tỷ đồng vào PG Bank, tương ứng tỷ lệ 40,57%.