Theo đó, năm 2024 PCE đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.925,25 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023, song lợi nhuận sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng, tăng 17%. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 14%.
Dự báo tình hình kinh tế năm 2024, PCE cho biết tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường sẽ ảnh hưởng tới tình hình tài chính của nhà phân phối các cấp tại khu vực.
Dự báo chu kỳ El Nino tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024, tình hình nắng hạn sẽ diễn ra trên quy mô rộng lớn với cường độ gay gắt, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp như hạn hán, thiếu nước tưới… dẫn đến nguy cơ giảm diện tích sản xuất (đặc biệt là mùa khô và vụ hè thu). PCE cho rằng nhiều khả năng nhu cầu phân bón năm 2024 sẽ không tăng so với 2023.
Về thị trường phân bón, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với NPK từ các nhà sản xuất lớn trong nước sẽ tiềm ẩn các nguy cơ thách thức cho hoạt động kinh doanh của Công ty trên thị trường….
Được biết, Công ty Cổ phần Phân Bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PVFCCo Central) là công ty thành viên của PVFCCo tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, được thành lập từ năm 2005, hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần kể từ năm 2011.
Mạng lưới kinh doanh của PVFCCo Central phủ khắp các tỉnh, thành khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với gần 30 đại lý và hơn 600 cửa hàng. Sản lượng kinh doanh hàng năm của Công ty đạt trên 300.000 tấn phân bón các loại, trong đó chủ yếu là phân bón Phú Mỹ.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/03, cổ phiếu PCE giảm 0,52%, xuống còn 19.000 đồng/CP.
Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón, với sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón ở cả 2 dòng sản phẩm chính là phân bón vô cơ lẫn hữu cơ.
Việt Nam đang là quốc gia chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học, sang hữu cơ theo nhịp phát triển chung của toàn thế giới. Theo Cục bảo vệ thực vật, tỷ trọng sản lượng phân bón hữu cơ & vi sinh đã tăng từ mức 6,3% (năm 2017) lên 23% (trong tháng 6/2022), với định hướng mục tiêu tỷ lệ sẽ tăng 25% vào năm 2025. Đây là định hướng phát triển chung trong dài hạn của ngành phân bón. Các doanh nghiệp nào tận dụng được việc chuyển đổi này sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.
Xét rủi ro tỷ giá, nhóm doanh nghiệp phân bón ít chịu áp lực vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá urê trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giá urê nội địa được nhận định sẽ có biến động tương quan với giá thế giới. Giá urê trên thị trường thế giới có diễn biến tăng kể từ ngày 7/9/2023, khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện trong quý IV/2023 và năm 2024, nhất là khi nhà máy sản xuất urê hết khấu hao.
Tiến Hoàng