Phát hiện cở sở thu mua thuốc kháng sinh trôi nổi tại Hà Nội

Hàng trăm nghìn hộp thuốc điều trị thận, huyết áp, dạy dày, thuốc kháng sinh… được mua trôi nổi trên mạng xã hội rồi phân phối cho các nhà thuốc ngoại tỉnh thông qua Facebook có tên 'Hoàng Minh'.

Theo tin tức từ Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), mới đây Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp thành viên tổ công tác 368 Tổng cục QLTT thực hiện kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dược phẩm tại địa chỉ Số 9 Ngõ 29 Phố Trạm Long Bên, Hà Nội do ông Trần Hữu Đức, thường trú tại Tổ 14 Long Biên, Hà Nội là chủ hộ kinh doanh.

Thời điểm kiểm tra cơ sở trên hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, không có giấy đủ điều kiện kinh doanh dược phẩm.

Phát hiện cở sở thu mua thuốc kháng sinh trôi nổi tại Hà Nội - Ảnh 1

 

Ghi nhận ban đầu của lực lượng chức năng, toàn bộ hàng hóa tại cơ sở gồm: 137.320 đơn vị thuốc tân dược nhãn KETOSTERIL TABLETS là thuốc điều trị thận, COVERSYL là thuốc điều trị huyết áp, AUGMENTIN là thuốc kháng sinh, NEXIUM là thuốc điều trị dạ dày.

Toàn bộ số thuốc tân dược trên do nước ngoài sản xuất có xuất xứ Portugal, KONYA, Thổ Nhỹ Kỳ (mã quốc gia 869) không có hóa đơn chứng từ được ông Đức mua giao dịch trên mạng xã hội Facebook ảo có tên “Minh Trí” và “Hồ Hoài Đông”, không biết người bán hàng. Số thuốc tân dược này sẽ được ông Đức bán cho các nhà thuốc ngoại tỉnh thông qua Facebook có tên “Hoàng Minh”.

Cũng theo lực lượng chức năng, bên ngoài thùng catton đựng các loại thuốc trên có dán tem vận chuyển của dịch vụ vận chuyển hàng không HPLux AIR CARGO và tem của VIETJET AIR CARGO. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Liên quan tới việc kinh doanh, buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, trước đó Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7350/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc.

Công văn của Cục cho biết, thời gian qua trong công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng tại một số tỉnh, thành đã phát hiện, xử lý một số cơ sở kinh doanh thuốc không duy trì việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý dược, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc. 

Nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc cung ứng cho công tác phòng chữa bệnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn góc, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng thuốc và quy định về ghi nhãn thuốc. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi kinh doanh đã được cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các loại thuốc đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh phù hợp.

Nghiêm cấm mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi, thuốc hết hạn dùng, thuốc đã có thông báo thu hồi, thuốc của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh dược. Đồng thời phối hợp với các cơ quan công an, quản lý thị trường, hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép sản xuất lưu hành.

Hồng Anh