Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung

Ngày 3/7, tại tỉnh Quảng Trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay”.

Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế biển, nổi bật là du lịch các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong thời gian qua; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững du lịch miền Trung trong thời gian tới.

Chủ trì Hội thảo (Nguồn ảnh: Cường Ruby)
Chủ trì Hội thảo (Nguồn ảnh: Cường Ruby)

Chủ trì Hội thảo có: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Trị; Đồng chí PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Lê Công Toán, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị và các đại biểu tham dự hội thảo.

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Cường Ruby)
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Cường Ruby)

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo Đồng chí Nguyễn Long Hải - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị khẳng định Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay” được tổ chức trong bối cảnh chúng ta đang có những nhận thức hết sức mới mẻ về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, về vai trò của du lịch, của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, của các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Trị (Nguồn ảnh: Cường Ruby)
Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Trị (Nguồn ảnh: Cường Ruby)

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, Quảng Trị và các tỉnh miền Trung đã nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành du lịch đã có những bước phát triển ấn tượng: Lượng khách du lịch tăng nhanh, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được hình thành; Xây dựng được các tua (tour) - tuyến - điểm du lịch quan trọng; có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là các sản phẩm phát huy lợi thế địa phương như: du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái biển, du lịch khám phá - mạo hiểm... Hơn hai thập niên qua, con đường di sản miền Trung được hình thành, góp phần kết nối sự phát triển du lịch giữa các địa phương, phát huy lợi thế so sánh của vùng. Nhiều điểm đến của miền Trung đã thu hút khách quốc tế và trong nước, được bình chọn tại các Giải thưởng Du lịch uy tín của khu vực và thế giới.

Sự phát triển của du lịch ở Quảng Trị và miền Trung đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tộc người, văn hóa truyền thống của địa phương, đảm bảo đối ngoại và an ninh quốc phòng.

Chúng ta đang chứng kiến những bước chuyển mang tính lịch sử của dân tộc. Đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. “Bộ tứ trụ cột” quyết sách của Đảng trong thời gian gần đây là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển quốc gia. Đây cũng là cơ hội hết sức thuận lợi để phát triển bền vững du lịch miền Trung. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh hội nhập quốc tế mang lại những dư địa lớn cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc kiến tạo lại không gian phát triển của các địa phương cũng là thời cơ để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Quảng Trị và các tỉnh miền Trung. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ tận dụng những thời cơ này và vượt qua những thách thức như thế nào?

Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức mong muốn quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tập trung thảo luận vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch ở Quảng Trị và khu vực miền Trung. Để có thể có chiến lược, chính sách phát triển đúng hướng và đạt nhiều thành tựu to lớn hơn cho du lịch Quảng Trị và miền Trung trong thời gian tới, cần phải nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng, những vấn đề, thách thức đang đặt ra cần kịp thời giải quyết. Các bên sẽ cùng nhau nhìn nhận một cách khách quan về những thành tựu và hạn chế, bao gồm cả những kinh nghiệm quý, bài học hay có khả năng chia sẻ, nhân rộng trong các địa phương khác và những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong quá trình phát triển du lịch tại Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, đặc biệt là dưới lăng kính của sự bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Điều này bao gồm việc xem xét tác động của du lịch đến tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương, lợi ích kinh tế mang lại cho cộng đồng và những vấn đề xã hội phát sinh.

Hai là, phân tích thách thức mới đặt ra từ bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chuyển đổi số… Bối cảnh mới của tình hình quốc tế, trong nước đang tạo ra nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới và phức tạp đối với ngành du lịch miền Trung. Hội thảo cần đi sâu vào phân tích những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (suy thoái tài nguyên, tàn phá cơ sở hạ tầng, mực nước biển dâng và các biểu hiện thời tiết cực đoan); các nguy cơ từ dịch bệnh (khả năng gián đoạn hoạt động du lịch, ảnh hưởng đến doanh thu, việc làm và chuỗi cung ứng, thay đổi hành vi du khách); những yêu cầu mới từ quá trình chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, quảng bá điểm đến, cạnh tranh trực tuyến và trải nghiệm du lịch), nguy cơ về khoảng cách số cũng là vấn đề cần phải tính đến. Việc hiểu rõ những thách thức này là bước quan trọng để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Ba là, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và nhận diện được những thách thức đang đặt ra đối với phát triển du lịch Quảng Trị và khu vực miền Trung, chúng ta cần đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, toàn diện nhằm hướng đến phát triển du lịch bền vững. Trong đó, cần chú ý đến các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng quy hoạch tổng thể, đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển mô hình hợp tác công tư (PPP), phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch thông minh; nâng cao năng lực của cộng đồng và các doanh nghiệp – những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch bền vững; tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy các sáng kiến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong du lịch.

Hội thảo gồm 02 phiên. Tại phiên 1, Hội thảo lắng nghe phát biểu tham luận của các chuyên gia đến từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị khu vực IV và đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị về những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch bền vững ở miền Trung trong bối cảnh hiện nay.

Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung  - Ảnh 1
Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung  - Ảnh 2
Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung  - Ảnh 3
Các đại biểu tham dự Hội thảo và thảo luận Toạ đàm (Nguồn ảnh: Cường Ruby)
Các đại biểu tham dự Hội thảo và thảo luận Toạ đàm (Nguồn ảnh: Cường Ruby)

Hội thảo đã nhận được 50 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý; lãnh đạo các địa phương. Nội dung các bài tham luận tập trung về các chủ đề, như: Bối cảnh mới và những vấn đề chung về phát triển bền vững du lịch hiện nay, liên kết vùng, thực trạng phát triển ở khu vực miền Trung…

Tại phần toạ đàm, PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Sau các báo cáo chuyên đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc ở Phiên tham luận, chúng ta bước vào Phiên tọa đàm bàn tròn có chủ đề: “Giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” với sự tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các khách mời nhằm làm sáng tỏ và khắc sâu hơn chủ đề Hội thảo.

Chủ đề thảo luận của phiên này tập trung vào nội dung: Giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh miền Trung trong bối cảnh mới. Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị chia sẻ về định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa và sinh thái; Rào cản lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về du lịch bền vững hiện nay và giải pháp cần được ưu tiên. TS. Trung Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện CT Khu vực III chia sẻ về sự gắn kết giữa bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch ở miền Trung; Đề xuất những mô hình phát triển du lịch vừa đảm bảo yếu tố bền vững, vừa phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa đặc thù của địa phương. Ông Đặng Ngọc Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị - Vai trò công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp cơ sở trong việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững; Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nội dung du lịch bền vững vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Giám đốc Điều hành Khu DLST Ozo Park - Yếu tố trong du lịch sinh thái khiến khách du lịch hiện nay quan tâm nhất; Những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp du lịch tư nhân khi hướng đến phát triển bền vững. TS. Nguyễn Tiến Thư, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Vai trò chuyển đổi số trong việc nâng cao trải nghiệm du lịch và thúc đẩy du lịch bền vững tại các tỉnh miền Trung; Các địa phương như Quảng Trị cần rút ngắn khoảng cách số trong ngành du lịch so với các tỉnh thành phát triển hơn…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ: Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và giàu tính học thuật, chúng ta đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về nhiều nội dung quan trọng xoay quanh chủ đề phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay – một chủ đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 4 nhóm kết quả nổi bật mà Hội thảo đã đạt được: Thứ nhất, về cơ sở lý luận và định hướng phát triển du lịch bền vững; Thứ hai, về đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch vùng miền Trung; Thứ ba, về các nhóm giải pháp, kiến nghị chiến lược; Thứ tư, về ý nghĩa tổng thể của Hội thảo đối với thực tiễn phát triển du lịch của Quảng Trị và các tỉnh miền Trung. Tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc đến phát triển vùng, Hội thảo hôm nay sẽ là tiền đề để hình thành một diễn đàn thường xuyên, một mạng lưới kết nối học thuật - quản lý - doanh nghiệp vì một miền Trung phát triển bền vững, thịnh vượng từ du lịch.

Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung  - Ảnh 4
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Nguồn ảnh: Cường Ruby)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Nguồn ảnh: Cường Ruby)

Sau hơn một thập kỷ kiên trì đầu tư, xúc tiến và mở rộng thị trường, du lịch Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: lượng khách du lịch tăng trưởng ấn tượng, nhiều sản phẩm du lịch mới được khai thác, dần ghi dấu trên bản đồ du lịch quốc tế, tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu. Dư địa để phát triển du lịch ở Quảng Trị và các tỉnh miền Trung vẫn còn rất lớn. Trước mắt còn nhiều việc phải làm để xây dựng một ngành du lịch xanh, thông minh, bền vững. Những gợi ý, đề xuất, phân tích tại Hội thảo hôm nay hy vọng sẽ giúp Quảng Trị hoàn thiện quy hoạch, chính sách, đầu tư và đào tạo nhân lực cho giai đoạn tới.

Vương Anh