Phiên chợ Trại Cài thời công nghệ số

Chợ Trại Cài thời công nghệ số là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa nét đẹp văn hóa và sức mạnh của công nghệ.

Từ "chợ làng" đến "sàn thương mại trực tuyến"

Giữa nhịp sống hiện đại, khi công nghệ len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống, chợ Trại Cài vẫn giữ được nét mộc mạc, chân chất của một phiên chợ quê, nhưng không kém phần sôi động với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công nghệ. Tiếng "chép chép" thưởng trà, lời bình phẩm vang lên không chỉ từ những người mua bán trực tiếp, mà còn từ loa điện thoại, kết nối với khách hàng khắp mọi miền đất nước.

Chợ Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp những sản phẩm chè ngon, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất trung du. Hình thành từ hơn ba mươi năm trước, chợ họp vào các ngày 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27, 30 âm lịch hàng tháng, thu hút đông đảo người mua, người bán và cả những người yêu trà.

Nếu như trước đây, người mua phải đến tận nơi để xem xét, lựa chọn, thì nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, họ có thể "thẩm trà" từ xa thông qua livestream, lắng nghe những lời bình phẩm, đánh giá từ các chuyên gia. 

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang đến những thay đổi tích cực cho chợ Trại Cài. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động mua bán giúp người trồng chè dễ dàng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phiên chợ Trại Cài thời công nghệ số - Ảnh 1

Người bán có thể tự tin giới thiệu quy trình chăm sóc, chế biến chè thông qua video, hình ảnh, nhật ký sản xuất. Người mua có thể ủy quyền cho các chuyên gia thẩm định chất lượng chè từ xa, đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng, thuận tiện.

Ông Dương Quang Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã chè Sáo Thịnh, chia sẻ: "Công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thay thế được cách thẩm trà và chợ chè truyền thống. Với mỗi hộ làm chè, đồi chè nguyên liệu, giống chè… đã cho ra sản phẩm có chất lượng khác nhau, bên cạnh đó, làm chè và uống trà là cả một nghệ thuật, nên thẩm trà là phải trực tiếp bằng các giác quan, cảm nhận tinh tế."

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, công nghệ số đã giúp lượng hàng bán ra tăng gấp 2-3 lần so với trước đây, đồng thời đẩy nhanh tốc độ vận chuyển, giao hàng.

"Chợ làng" vươn mình ra thế giới

Không chỉ dừng lại ở việc mua bán, chợ Trại Cài còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của những người làm chè, yêu trà. Đây cũng là nơi để các doanh nghiệp, thương lái tìm kiếm nguồn hàng, mở rộng hợp tác kinh doanh.

Ông Vũ Văn Mác, Chủ tịch UBND xã Minh Lập, cho biết: "Vùng chè Trại Cài có khoảng 800ha chè kinh doanh (sản lượng bình quân đạt 8.000 tấn/năm). Khi các ứng dụng công nghệ thông tin phát triển trong quá trình chuyển đổi số, cùng với hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người làm chè ngày càng phát triển."

Phiên chợ Trại Cài thời công nghệ số - Ảnh 2

Theo ông Mác, so với năm 2020, chợ chè Trại Cài có lượng tiêu thụ tăng gấp 2 lần, phương tiện vận tải đến chợ tăng từ 20 đầu xe lên gần 50 đầu xe mỗi phiên chợ, giá trị kinh tế từ thâm canh chè bình quân cũng tăng từ 150 triệu đồng/ha/năm, lên trên 200 triệu đồng. 

Sự phát triển của chợ Trại Cài không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mà còn giúp quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Người trồng chè đã ý thức hơn về việc xây dựng thương hiệu, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chủ động quảng cáo, kinh doanh trực tuyến. Nhiều người làm chè đã chuyển sang làm nghề thẩm trà trực tuyến để kết nối với khách hàng từ xa.

Nhờ đó, chè Trại Cài đã trở thành thương hiệu của một vùng, có những đơn hàng với giá bán trên 1,5 triệu đồng/kg. 

Phiên chợ Trại Cài thời công nghệ số - Ảnh 3

Chợ Trại Cài là một minh chứng cho thấy, truyền thống và hiện đại hoàn toàn có thể song hành, bổ trợ cho nhau. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp chợ Trại Cài phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa đặc trưng của một phiên chợ quê.

Trong tương lai, chợ Trại Cài cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần đưa chè Thái Nguyên vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Chợ Trại Cài thời công nghệ số là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa nét đẹp văn hóa và sức mạnh của công nghệ. Đây là mô hình điển hình cho việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương.

Bảo An 

Từ khóa: