Phú Thọ: Huyện Tân Sơn phát triển bền vững thương hiệu vùng chè Long Cốc

Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được thiên nhiên ban tặng cho địa hình, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển. Thời gian qua, cùng với phát triển du lịch gắn với đồi chè, chính quyền xã đã khuyến khích người dân từng bước xây dựng thương hiệu chè xanh Long Cốc trở thành sản phẩm đặc trưng địa phương, góp phần đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

Bình minh trên đồi chè Long Cốc.
Bình minh trên đồi chè Long Cốc.

Khẳng định thương hiệu chè Long Cốc

Long Cốc là xã khu vực II thuộc huyện miền núi Tân Sơn với đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến chè. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 201/830 hộ, chiếm 24,21%. Những năm gần đây, nhờ thay đổi trong phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nên sản phẩm chè của Long Cốc đã thực sự giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo.

Được biết, xã Long Cốc hiện có gần 700ha chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch chiếm tỉ lệ 90%, diện tích trồng mới và trồng lại 1,9ha, năng suất bình quân 148 tạ/ha, sản lượng chè tươi ước đạt 10.243 tấn. Hợp tác xã (HTX) chè an toàn xã Long Cốc được thành lập từ năm 2018. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản xuất và chế biến chè xanh trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, đáp ứng được yêu cầu thị trường, thời gian qua, HTX đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ gắn với chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm ổn định, nâng cao cuộc sống người dân địa phương. Đặc biệt, HTX đã phát huy tiềm năng, thế mạnh gắn kết mô hình sản xuất với du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch sinh thái và trải nghiệm thực tế.

Vùng nguyên liệu chè Long Cốc.
Vùng nguyên liệu chè Long Cốc.
Người trồng chè Cắt lại những búp chè còn sót sau khi cắt máy tại đồi Bông, xã Long Cốc…
Người trồng chè cắt lại những búp chè còn sót sau khi cắt máy tại đồi Bông, xã Long Cốc…
Một vạt chè đồi chuẩn bị được cắt búp.
Một vạt chè đồi chuẩn bị được cắt búp.

Đặc biệt, sau khi đăng ký bản quyền thương hiệu Chè Long Cốc, để sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn, HTX đã tạo điều kiện cho các thành viên HTX đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cây chè trong, ngoài địa phương đồng thời tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng để xây dựng thương hiệu. HTX liên kết với 20 hộ trồng chè, diện tích 37ha để phục vụ sản xuất chè búp theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên vùng sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu và tăng thu nhập cho người trồng chè địa phương. Đặc biệt, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất chế biến chè với công suất 3-4 tấn chè tươi/ngày.

Bà Phạm Thị Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc cho biết: “Trong quá trình trồng và sản xuất chè, HTX luôn lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu phát triển. Với thị trường đa dạng, sản xuất chè ồ ạt ở nhiều nơi như hiện nay, việc tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm. Hiện HTX đã có ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bốn sao là chè xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Shan Tuyết. Sản phẩm của HTX đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, thu nhập, đời sống các hội viên đã không ngừng được tăng lên.

Dùng máy cắt chè tại đồi của hộ gia đình ông Phùng Văn Dĩnh, xóm Bông 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn
Dùng máy cắt chè tại đồi của hộ gia đình ông Phùng Văn Dĩnh, xóm Bông 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn.
Hái chè thủ công tại Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc.
Hái chè thủ công tại Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc.

Từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HTX đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, môi trường được bảo vệ tốt hơn, thu hút ngày càng đông khách tham quan, trải nghiệm, thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương. Chính quyền xã Long Cốc cũng khuyến khích người dân tích cực tham gia vào HTX, việc chuyển đổi sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP cùng với áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè sẽ giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững.

Chế biến chè tại Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc.
Chế biến chè tại Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc.
HTX chè an toàn xã Long Cốc hiện có ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bốn sao: Chè xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Shan Tuyết tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
HTX chè an toàn xã Long Cốc hiện có ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bốn sao: Chè xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Shan Tuyết tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Với dự án “Nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè xanh Long Cốc”, HTX đã và đang tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thu hút thêm thành viên, từ đó giữ vững thương hiệu, cung cấp cho thị trường sản phẩm chè an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh của tỉnh. Hiện sản phẩm chè của HTX chè an toàn Long Cốc được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh thành trong nước và các siêu thị của hệ thống Winmart, Coopmart... với chất lượng ngày càng nâng lên, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Việc hướng nông dân tham gia sản xuất chè an toàn theo VietGAP hiện là hướng đi tích cực nhằm đưa cây chè thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương, đồng thời gây dựng thương hiệu chè xanh Long Cốc, sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Long Cốc phát triển du lịch xanh

Là địa phương có tiềm năng du lịch khá mạnh, điều kiện tự nhiên, khí hậu đã ưu đãi cho Long Cốc có một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Ngành du lịch tỉnh đang định ra hướng đi mới cho du lịch xanh của Long Cốc, đó là phát triển du lịch đồi chè, khai thác các hộ sản xuất chè truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời phát triển sinh kế cho người dân trồng chè.

Vài năm trở lại đây, nắm bắt xu hướng của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế vốn rất hứng thú với các loại hình du lịch xanh, ngành du lịch đã và đang đưa Long Cốc vào các tour, tuyến du lịch. Với kinh nghiệm trồng và chế biến chè của người dân nơi đây cũng góp phần tạo nên hương vị quyến rũ của sản phẩm. Việc chế biến chè là một quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thậm chí đạt đến độ nghệ thuật. Thực tế cho thấy, rất nhiều khách tham quan tỏ ra hứng thú với việc tìm hiểu quá trình chế biến chè, từ việc lựa chọn búp chè tươi, xao chè và đến cả quá trình pha trà tinh tế, thể hiện nét văn hóa, sự tinh hoa của người làm chè.

Nhiều du khách đã tìm đến Long Cốc để được trải nghiệm không khí trong lành, xanh mát trên những đồi chè.
Nhiều du khách đã tìm đến Long Cốc để được trải nghiệm không khí trong lành, xanh mát trên những đồi chè.

Để nâng cao chất lượng du lịch, khi khai thác và đưa các hộ sản xuất chè vào hoạt động du lịch xanh, người nông dân đã được hướng dẫn làm du lịch, biến công việc hằng ngày thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Được trang bị các kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu; cách đón tiếp khách, sắp xếp cơ sở lưu trú tại gia, lên thực đơn, phân loại, sơ chế, chế biến thực phẩm, cách trình bày, lên giá thành phẩm bữa ăn; nghệ thuật giao tiếp với du khách, giới thiệu những nét đặc sắc của vùng chè Long Cốc.

Lợi ích mà hình thức du lịch này đem lại cho người nông dân trồng chè ở Long Cốc là không những có thể thu lợi trực tiếp từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực và hướng dẫn khách tham quan, mà còn nâng cao được lượng tiêu thụ sản phẩm chè. Điều đó đồng nghĩa với việc không những nguồn lợi truyền thống được bảo đảm, mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho người dân, là cơ hội cho du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn không gian xanh đặc trưng của vùng núi trung du, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Du khách được tham gia trải nghiệm quy trình chế biến chè Long Cốc.
Du khách được tham gia trải nghiệm quy trình chế biến chè Long Cốc.

Có thể thấy, du lịch xanh được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ để công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay, người dân địa phương được chuyên nghiệp hơn.

PHI LONG