Thanh Sơn đang ngày càng đổi thay.
Từ vùng đất khó vươn lên mạnh mẽ Thanh Sơn là huyện miền núi có diện tích tự nhiên trên 62.000 ha, dân số trên 130.000 người, với 24 đơn vị hành chính (23 xã và 1 thị trấn), trong đó có nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như Khả Cửu, Yên Lương, Yên Sơn, Hương Cần. Với 32 dân tộc cùng sinh sống trong đó dân tộc Mường chiếm tỉ lệ lớn đặc điểm văn hóa, sản xuất và nhận thức có nhiều khác biệt, tạo nên một bức tranh đa dạng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho công cuộc xây dựng NTM.
Trong năm 2024, nhờ sự triển khai đồng bộ và kiên trì, nhiều xã đã có bước tiến đáng ghi nhận. Xã Yên Sơn hoàn thành 12/19 tiêu chí; xã Hương Cần đạt 13 tiêu chí; xã Yên Lương và Khả Cửu cũng đang tích cực hoàn thiện các chỉ tiêu còn lại. Một số khu dân cư tiêu biểu như Nội Xén, Đồn (xã Hương Cần) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tạo điểm nhấn thúc đẩy phong trào chung toàn huyện.
Một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng NTM tại Thanh Sơn là việc triển khai thực hiện đồng bộ, nhất quán từ cấp huyện đến từng xã, từng thôn, bản. Huyện đã cụ thể hóa Đề án phát triển nông – lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2025, xác định các sản phẩm chủ lực như chè, bưởi, chuối phấn vàng, gỗ lớn, chăn nuôi trâu, bò, dê… làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế nông thôn.
Chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được đẩy mạnh. Năm 2024, hàng trăm hộ dân trên toàn huyện tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng. Sự đồng thuận cao trong nhân dân là động lực then chốt giúp các xã khó khăn bứt phá.
Bên cạnh đó, các tiêu chí “mềm” như văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự, tổ chức chính quyền đều được củng cố vững chắc. Đến nay, toàn huyện có 76/77 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 12 trường đạt chuẩn mức độ 2 – một trong những con số cao nhất toàn tỉnh.
Các hộ dân thuộc HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn thu hái chè búp tươi.
Sản phẩm chè sạch HTX chè Cẩm Mỹ xã Tất Thắng đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Thịt chua ống nứa - Công ty Cổ phần và Thương mại TruongFoods.
Xuyên suốt quá trình triển khai, điểm chung nổi bật tại Thanh Sơn là sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn của Huyện ủy, UBND huyện và các phòng chuyên môn. Các xã đều xây dựng kế hoạch NTM sát với tình hình địa phương, phân công nhiệm vụ rõ ràng đến từng cán bộ, từng tổ chức đoàn thể.
Yếu tố then chốt tạo nên thành công là việc phát huy vai trò chủ thể của người dân. Từ Khả Cửu đến Yên Sơn, Hương Cần hay Yên Lương, người dân không còn là đối tượng “được làm giúp”, mà chính là người tham gia, giám sát, góp công, góp của, góp ý kiến trong mọi khâu triển khai.
Ngoài ra, chương trình NTM tại Thanh Sơn còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi hệ thống chính sách ưu tiên dành cho vùng đặc biệt khó khăn: đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, vốn vay ưu đãi…
Dù đã có nhiều chuyển biến, Thanh Sơn vẫn đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ, đặc biệt ở các xã miền núi xa trung tâm. Một số tiêu chí “cứng” như giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và quy hoạch chưa đạt ở hầu hết các xã. Điển hình, xã Khả Cửu mới đạt 8/19 tiêu chí (42,1%), Yên Lương còn thiếu nhiều hạng mục hạ tầng trọng yếu.
Nguồn lực đầu tư vẫn là “điểm nghẽn”. Hầu hết các xã không cân đối được ngân sách, việc huy động xã hội hóa còn hạn chế do thu nhập bình quân thấp, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa hình thành rõ nét.
Về cơ sở hạ tầng ở vùng cao vẫn yếu kém. Hệ thống đường liên thôn, đường nội đồng, hệ thống cấp thoát nước, nhà văn hóa nhiều nơi xuống cấp hoặc chưa có. Một số nơi như Yên Lương, Khả Cửu, người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước trong đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, khó khăn về địa hình đồi núi, dân cư phân bố thưa, tỷ lệ người dân chưa qua đào tạo nghề còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng lao động và khả năng chuyển đổi sinh kế.
Du lịch Thanh Sơn.
Để đạt mục tiêu đưa Thanh Sơn hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Huyện ủy và Đề án phát triển nông – lâm nghiệp đã được ban hành, huyện xác định một số nhóm giải pháp trọng tâm. Tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại ở từng xã, ưu tiên hạ tầng giao thông, tổ chức sản xuất và môi trường. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các mô hình liên kết chuỗi, gắn với sản phẩm chủ lực địa phương. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản, cung cấp giống, dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm. Tăng cường phân cấp, phát huy vai trò chủ động của các xã, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục triển khai các dự án. Nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp tục phát động các phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Hành trình về đích NTM tại Thanh Sơn không chỉ là câu chuyện của các con số, tiêu chí hay các công trình xây dựng. Đó còn là quá trình đổi thay từ tư duy đến hành động, từ nhận thức đến trách nhiệm của mỗi cán bộ, mỗi người dân.
Với nền tảng đã được tạo dựng, cùng sự đoàn kết, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Thanh Sơn đang từng bước khẳng định vị thế mới trên bản đồ nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ. Hành trình ấy chắc chắn còn nhiều gian nan, nhưng đích đến một vùng quê đáng sống, văn minh, hiện đại và bản sắc đang ngày càng gần hơn.
XUÂN SỸ