Phú Thọ: Huyện Thanh Thủy phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế

Những năm gần đây, người trồng chè tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đang nỗ lực chuyển đổi trồng chè từ lối canh tác thông thường sang phương pháp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với phát triển du lịch trải nghiệm thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, người tiêu dùng theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững.

Vùng đồi chè khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Đồi chè tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ phát triển du lịch trải nghiệm thực tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy, cho biết: chè hữu cơ là loại chè được canh tác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Nghĩa là quy trình không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ. Nông dân sử dụng các chất thải tự nhiên ví dụ như phân ủ để tạo chất màu cho đất và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại. Nông nghiệp hữu cơ làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm, giữ gìn các khoáng chất trong đất nhằm bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên. Điểm quan trọng nhất là quy trình nông nghiệp này là làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, việc phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Thủy đang chú trọng phát triển…

Với vùng nguyên liệu chè tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ), được Công ty TNHH Maika Food ưu tiên đầu tư phát triển. Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH Maika Food chia sẻ: “Mọi câu chuyện, mọi sản phẩm đều có một khởi đầu, với Maika Food chúng tôi bắt đầu câu chuyện của mình bằng sự khát khao nâng tầm giá trị nông sản Việt. Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Tổ - Phú Thọ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông Đà trong xanh, thơ mộng nhưng đầy hùng vĩ, với cánh đồng lúa bao la, với những đồi chè xanh bất tận, tôi tự hào và yêu mến tất cả những gì thuộc về quê hương mình”.

“Phú Thọ được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam - Một trong những địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, thu nhập của bà con từ cây chè chưa cao, việc liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, chưa có thương hiệu chè xứng tầm với tiềm năng vốn có. Vậy làm sao để giúp bà con nâng cao thu nhập từ cây chè, để người nông dân quê tôi có quyền tự hào về sản phẩm chủ lực do chính mình làm ra đạt chất lượng tốt nhất, an toàn nhất và có sức cạnh tranh không hề thua kém bất kỳ thương hiệu chè nào” - Bà Hương chia sẻ thêm.

Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Maika Food tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Maika Food tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Phú Thọ: Huyện Thanh Thủy phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế - Ảnh 1
Đồi chè đã thu hút nhiều du khách đến thăm và trải nghiệm thực tế.
Đồi chè đã thu hút nhiều du khách đến thăm và trải nghiệm thực tế.

Hiện nay, Công ty TNHH Maika Food đã xây dựng được chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu bằng việc hợp tác với các hộ nông dân tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) với diện tích khoảng 4 héc ta chè để tạo ra những sản phẩm chất lượng, uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn đến tay người tiêu dùng. Đến nay, Maika Food đã có 2 sản phẩm là “Bột trà matcha” và “Trà sữa matcha” được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sắp tới đây, Công ty sẽ cho ra mắt thêm một sản phẩm mới mang tên “Trà xanh sencha” với nhiều công dụng rất tốt.

Ông Phùng Văn Sỹ, nhân viên chăm sóc vùng nguyên liệu chè tại khu 7, xã Đồng Trung thuộc Công ty TNHH Maika Food chia sẻ, hiện có tổng diện hơn 3 héc ta của Công ty TNHH Maika Food cho biết, đối vùng nguyên liệu chè hiện nay đều được áp dụng phát triển theo hướng hữu cơ, đặc biệt việc thu hái chè đều áp dụng máy móc khoa học vào trong việc thu hái rất nhanh.

Bà Nguyễn Thị Mão, nhân viên chăm sóc vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Maika Food cho biết, với diện tích hơn 3 héc ta chè tại khu 7, xã Đồng Trung hiện nay được chăm sóc đặc biệt theo hướng an toàn hữu cơ. Việc áp dụng khoa học vào việc thu hoạch chè tại đây một ngày thu hoạch hơn 4 tấn chè búp tươi, mỗi một năm thu được 2 đợt vào tháng 3 và tháng 9. Ngoài ra, tại khu vực đồi chè của Công ty cũng được đẩy mạnh về phát triển du lịch mỗi khi du khách mọi miền về khu vực xã Đồng Trung thăm quan vì nơi đây có Đền Lăng Sương rất linh thiêng, khi về đây ngoài việc du lịch tâm linh, du khách còn đến các khu đồi chè thăm quan và chụp ảnh check in để lưu lại khoảnh khắc rất tuyệt vời…

Vùng nguyên liệu chè tại Khu 15, xã Hoàng Xá phát triển mô hình chè hữu cơ.
Vùng nguyên liệu chè tại khu 15, xã Hoàng Xá phát triển mô hình chè hữu cơ.

Vùng chè trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã góp phần đổi thay nhiều mặt ở địa phương, tạo ra lớp công nhân mới, nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ chính cây trồng thế mạnh của địa phương, đời sống thay đổi từng ngày, từ những búp chè xanh mơn mởn trên miền trung du miền núi phía Bắc.

Phi Long/ VP Tây Bắc