Phú Thọ: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trà thảo mộc Tầm gửi trên cây gạo

Tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) cây gạo lại là lộc trời, giúp cho người nông dân không cần phải bỏ công sức nhiều mà chỉ chờ đến ngày là hái ra tiền, mang lại nguồn thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu mỗi năm. Tất cả là nhờ cây tầm gửi sống trên cây gạo. Hiểu rõ được tầm gửi cây gạo là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan đã sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo với mục tiêu khai thác, bảo tồn và phát triển thế mạnh của địa phương.

Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo Hiền Quan - Sản phẩm OCOP huyện Tam Nông.
Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo Hiền Quan - Sản phẩm OCOP huyện Tam Nông.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Nông có khoảng trên 350 cây gạo tía, thuộc sở hữu của khoảng 30 hộ dân. Dù dễ dàng mang lại thu nhập cao nhưng mô hình này rất khó nhân rộng do tầm gửi cây gạo phát triển hoàn toàn do tự nhiên, không thể trồng ghép hay cấy hạt. Đây cũng là sản phẩm hiếm có của vùng đất Hiền Quan.

Với tác dụng là nước uống thanh nhiệt giải độc, loại cây sống ký sinh trên thân cây gạo này đang rất đắt khách. Ông Nguyễn Văn Thống ở khu 1, xã Hiền Quan là người hiện đang sở hữu số cây tầm gửi gạo nhiều nhất trong xã với 32 cây gạo tía. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch được từ 7 tạ đến 1 tấn tầm gửi, đem lại cho gia đình mức thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Ông Thống vui mừng cho biết“Từ khi tầm gửi cây gạo đạt OCOP 3 sao do tỉnh công nhận, sản phẩm của tôi bán ra cho khách của khắp mọi miền Tổ quốc về đây mua rất đông, sản lượng tăng 20 đến 30%, mỗi năm thu  được khoảng 700 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1955), ở khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông là người hiện đang sở hữu số cây tầm gửi gạo nhiều nhất nhì trong làng.
Ông Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1955), ở khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông là người hiện đang sở hữu số cây tầm gửi gạo nhiều nhất nhì trong làng.

Tuy nhiên, không phải cây gạo nào cũng có tầm gửi, tầm gửi chỉ ký sinh trên các cây gạo tía. Người dân sẽ nhặt lá rụng hoặc cắt các thân, cành già để bán. Số lượng cây gạo tía tại đây tăng theo hàng năm do cung không đủ cầu.

Để nâng cao giá trị sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất trong việc cung ứng sản phẩm ra thị trường, HTX dịch vụ thủy lợi Hiền Quan và HTX nông nghiệp dịch vụ An Hưng chế biến tầm gửi cây gạo thành 2 sản phẩm chính: tầm gửi cây gạo phơi khô và sản phẩm chiết xuất tầm gửi cây gạo thành nước uống thảo mộc. Sản phẩm có nhiều công dụng đối với sức khỏe như hỗ trợ điều trị sỏi đường tiết niệu, giảm đau nhức xương khớp, làm mát gan, giải độc và có tác dụng đặc biệt đối với phụ nữ sau sinh để phòng ngừa hậu sản.

Tầm gửi cây Gạo xã Hiền Quan.
Tầm gửi cây Gạo xã Hiền Quan.
Sản phẩm Tầm gửi cây Gạo được triết suất thành nước của HTX dịch vụ nông nghiệp An Hưng.
Sản phẩm Tầm gửi cây Gạo được triết suất thành nước của HTX dịch vụ nông nghiệp An Hưng.

Với thế mạnh sẵn có tại địa phương, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan (tiền thân là tổ hợp tác sản xuất tầm gửi cây gạo) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến, HTX đã sản xuất ra các sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, trong đó chủ lực là trà thảo mộc có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương”.

Bên cạnh đó, HTX duy trì sản xuất với quy mô vừa, sản lượng thu mua ước đạt năm 2022 với doanh số 2.000kg tầm gửi tươi. Sau khi thu hái, sơ chế, băm nhỏ và phơi, sấy khô, đóng gói, sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Bà Đào Biên Thùy – Phó Trạm Trưởng Trạm Khuyến Nông huyện Tam Nông cho biết: “Để bảo tồn phát triển tầm gửi cây Gạo, chúng tôi có những đề tài nghiên cứuvà đã được Sở Khoa học & Công nghệ phê duyệt danh mục “ Tạo lập, quản lý, phát tiển nhãn hiệu chứng nhận tầm gửi cây gạo Hiền Quan” thời gian thực hiện 2 năm, kết thúc vào năm 2025 để nâng cao giá trị tầm gửi cây gạo xã Hiền Quan”.

HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan đã sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo...
HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan đã sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo...

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế, nhiều địa phương ở Phú Thọ đã chú trọng tới sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng sao của sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng như: Dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm…

Sau thời gian triển khai, Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), đã góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã thông qua các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Trong thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Tam Nông đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

Huyện Tam Nông hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP.
Huyện Tam Nông hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP.

Phát huy lợi thế hiện có, gồm 6 làng nghề truyền thống, 36 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 31 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Huyện Tam Nông đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm OCOP có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Cho đến nay, huyện Tam Nông đã có 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao gồm: Sản phẩm Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo xã Hiền Quan; Cá thính đồng Nung của HTX Nông nghiệp Thượng Nông; 3 sản phẩm dưa leo baby, ổi sạch và dưa lê của HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên.

Thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, huyện sẽ tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế tham gia đánh giá ở hạng sao cao hơn.

Năm 2023, tầm gửi cây gạo là một trong những sản phẩm OCOP được huyện Tam Nông lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội Chợ Du lịch Tây Bắc ngã 5 Đền Giếng khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phi Long - Minh Đông/VP Tây Bắc