Thúc đẩy chuyển đổi số
Thời gian qua, HTX sản xuất chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao thương hiệu. Năm 2022, HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “chè Phú Thọ”, sản phẩm chè xanh Kim Tuyên Cẩm Mỹ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ, cho hay: “Ngay từ khi thành lập HTX, chúng tôi đã xác định thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên”.
Đến nay, HTX đã xây dựng thành công trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội facebook thu hút hàng nghìn lượt xem mỗi ngày. Nhờ đó, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã biết đến chè xanh Cẩm Mỹ để đặt hàng.
Dự kiến, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đăng ký để thành lập trang của mình trên các mạng xã hội được nước ngoài quan tâm như twitter, instagram, đồng thời đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên website, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng số...
Hoạt động của những đơn vị kinh tế điển hình như HTX Cẩm Mỹ chính là nền tảng giúp hoạt động sản xuất chè trên địa bàn huyện Thanh Sơn ngày càng có chuyển biến tích cực, cho giá trị cao hơn.
Trong 5 năm qua, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu chè, từng bước hình thành vùng sản xuất chè an toàn, gắn sản xuất với chế biến chè xanh, rà soát diện tích chè cũ, cằn xấu kém hiệu quả sang trồng các giống chè mới chất lượng cao (Bát Tiên, Hương Bắc Sơn, Phúc Vân Tiên,..), nâng diện tích chè chất lượng cao đạt trên 650 ha, tăng 500 ha so với năm 2015.
Với những nền tảng đang có, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có tổng diện tích chè duy trì ổn định 2.500 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm đạt 2.480 ha, năng suất bình quân đạt 135 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 33.480 tấn.
Nhiều mô hình giá trị cao
Bên cạnh cây chè, nông dân huyện Thanh Sơn với sự sáng tạo, năng động, bắt nhịp tốt với thị trường đang xây dựng thành công nhiều mô hình hiệu quả khác. Điển hình, những năm qua, huyện đã triển khai mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao (Séng Cù, Quạ đen, J02, TBR225...) trên diện tích đạt 2.070 ha, chiếm 30% tổng diện tích lúa, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với lúa thường.
Huyện cũng đẩy mạnh rà soát diện tích đất vườn tạp, đồi núi thấp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây bưởi nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng diện tích bưởi trên địa bàn huyện đạt trên 590 ha, thu nhập bình quân 130 - 200 triệu/ha, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Điển hình như hộ gia đình anh Đặng Tiến Thông, dân tộc Dao, xã Tân Lập ngày càng khấm khá nhờ phát triển vườn bưởi rộng gần 1 ha, phát triển theo hướng hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh thái. Theo anh Thông, cách đây 5 năm, gia đình anh vẫn là một trong những hộ cận nghèo của xã. Bước ngoặt xảy đến khi anh được tạo điều kiện đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở HTX bưởi Mường Động (Hòa Bình) và được xã hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, vườn bưởi nhà anh Thông phát triển mạnh, cho thu hoạch chỉ sau 2 năm trồng. Kể từ năm 2018 đến nay, nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định, gia đình anh duy trì mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng phát triển khá mạnh. Đơn cử, ở xã Địch Quả, trước đây, các mô hình chăn nuôi phát triển nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào, dịch bệnh rất khó. Năm 2016, 24 hộ chăn nuôi trong xã đã liên kết thành lập hợp HTX nông nghiệp An Phú để giải “bài toán” thị trường. Với lợi thế diện tích đồi rừng rộng, HTX chọn phát triển giống gà ri Lạc Thủy bởi giống gà này có bộ lông dày, thích nghi tốt với thời tiết, khí hậu vùng núi. Gà được nuôi theo hình thức bán chăn thả (chuồng - vườn).
Trong hơn 5 năm qua, HTX An Phú cũng chú trọng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm làm ra. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm tựa cho vững chắc cho 24 hộ thành viên, hàng chục lao động trong và ngoài xã, trong đó 2/3 là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. HTX cũng được đánh giá là một trong những cơ sở chăn nuôi gà đồi lớn nhất huyện Thanh Sơn với sản lượng 350.000 con/năm.
Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Quạ Đen, huyện Thanh Sơn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ được giống lúa nếp đặc sản truyền thống của địa phương. Huyện Thanh Sơn phấn đấu đưa lúa nếp Quạ Đen trở thành sản phẩm OCOP năm 2024.
Hiện nay, mô hình “Giống lúa nếp Quạ Đen - đặc sản của địa phương” được huyện Thanh Sơn trồng thử nghiệm từ vụ mùa năm 2020 tại xã Thắng Sơn với diện tích 3ha, đến nay đã tăng lên 93,6ha tại 3 xã Thắng Sơn, Cự Đồng và Yên Sơn.
Cùng với đó, toàn bộ diện tích lúa nếp Quạ Đen của huyện Thanh Sơn đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện phối hợp với các xã có diện tích gieo cấy lúa nếp Quạ Đen để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực, chủ động trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Đồng thời đôn đốc bà con nông dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là tổ chức diệt chuột tập trung, duy trì đủ nước trong ruộng để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao./.
PHI LONG/ VP TÂY BẮC