Phú Thọ: Thâm canh 200 ha chè Shan tuyết ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Việc bảo tồn, phát triển bền vững giống chè Shan tuyết đã từng bước khai thác phát huy giá trị, hiệu quả kinh tế của giống chè quý, đặc sản, góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu chè Phú Thọ.

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Bảo tồn, phát triển giống chè Shan tuyết mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
Bảo tồn, phát triển giống chè Shan tuyết mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ.

Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích hơn 15.000ha, là vùng tiểu khí hậu, nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Cây chè Shan tuyết là một loài cây chè cổ điển hình phân bố tự nhiên trong rừng với số lượng hàng nghìn cây được đồng bào người Dao, Mường nhân giống gây trồng từ trước những năm 1960, khi di cư đến sinh sống tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Chè Shan tuyến có nhiều ở xóm Dù, xóm Cỏi, Lùng Mằng...thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn để khai thác giá trị kinh tế đối với giống chè này, vườn đã triển khai đề tài khoa học, điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp bảo tồn và khai thác bền vững tạo kinh tế cho người dân. Qua triển khai bước đầu đã xây dựng được các mô hình áp dụng kỹ thuật chăm sóc chế biến chè Shan tuyến theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 200 ha. Sau thu hoạch chế biến chè Shan tuyết có giá từ 500 - 600 nghìn đồng/kg.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ tiếp tục tập huấn hướng dẫn quy trình bảo tồn chăm sóc để mở rộng giống chè Shan tuyết đạt hướng quảng bá tiêu thụ sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch và nâng cao thu nhập cho bà con.

Cây chè cổ thụ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Cây chè cổ thụ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Thống kê sơ bộ, trong ranh giới vườn hiện có khoảng 2.000 cây, đường kính từ 12-15 cm (tuổi đời tầm 20 năm trở lên); đặc biệt có nhiều cây to đường kính lên tới 40-50cm, tuổi đời 50-60 năm, quý nhất là hiện có hàng trăm cây to cỡ này vẫn sinh trưởng tốt và cho thu hái thường xuyên...

Mùa thu hái thường bắt đầu từ tháng 2 âm lịch hàng năm cho đến tháng 7-8 thì hết mùa mọc lá và búp. Ngoài cái tên chè Shan tuyết người dân còn gọi là “chè đu đưa” vì cây to, cao tới 15-20m, mỗi khi muốn thu hái chỉ có cách phải trèo lên ngọn, đu đưa trong gió để nhặt từng búp chè non sau đó đem về sao uống hoặc hái lá tươi về nấu nước uống cho mát…

Chè và sản phẩm từ cây chè Shan tuyết ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn có giá trị, lợi thế cạnh tranh cao vì là vùng duy nhất tại tỉnh Phú Thọ phân bố giống chè cổ Shan tuyết. Tuy nhiên, việc phát triển cây chè Shan tuyết tại đây có nhiều khó khăn, hạn chế: chủ yếu thu hái tự nhiên, không được người dân chú ý chăm sóc, tạo tán; bảo tồn, khai thác sản phẩm từ cây chè chưa được quan tâm; sản xuất, chế biến các sản phẩm chè Shan tuyết còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm kém, chưa tương xứng với tiềm năng.

Với chiến lược phát triển Vườn Quốc gia Xuân Sơn trở thành một điểm du lịch quốc gia, việc có một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương là điều cấp thiết. Vườn Quốc gia Xuân Sơn thực hiện điều tra, đánh giá giá thực trạng, đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chè Shan tuyết nhằm mục đích quản lý, bảo tồn số chè Shan tuyết đặc trưng hiện có. Duy trì tính đa dạng sinh học, thử nghiệm biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác, chế biến chè Shan tuyết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, góp phần xây dựng thương hiệu chè cổ Shan tuyết Phú Thọ.

Theo thống kê, tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang có hàng trăm gốc chè cổ cả người ôm, cao từ 15-20m.
Theo thống kê, tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang có hàng trăm gốc chè cổ cả người ôm, cao từ 15-20m.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã khảo sát, đánh giá điều tra chè cổ Shan tuyết được triển khai tại xóm Dù, Cỏi, Lạng, Nùng Mằng, với 600 cây (100 cây chè cổ thụ trong tự nhiên và 500 cây chè trồng từ 5-15 tuổi). Từ kết quả thực hiện, sẽ triển khai bàn giao cho chính quyền địa phương và chủ hộ quản lý, phát triển thành cây chè, vườn chè Shan tuyết; tuyển chọn, công nhận 10-20 cây chè Shan tuyết cổ thụ là cây trội, đầu dòng.

Để tiếp tục bảo tồn, phát triển bền vững chè Shan tuyết cổ thụ, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao công nghệ, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về quy trình bảo tồn tại các vườn chè của mình. Hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc chè Shan tuyết trên các mô hình mẫu. Vườn Quốc gia cũng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn của tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu búp tươi cho người đồng bào dân tộc vùng cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn xây dựng kế hoạch chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết ra thị trường thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại đầu tư tại tỉnh, từ đó góp phần nâng cao thương hiệu chè Shan tuyết Vườn quốc gia Xuân Sơn.

PHI LONG