Phú Thọ: Triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững

Những năm qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè Đất Tổ, góp phần đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

từng bước xây dựng thương hiệu chè Đất Tổ, góp phần đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.
Từng bước xây dựng thương hiệu chè Đất Tổ, góp phần đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000ha chè, trong đó hơn 3.000ha chè được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm; năng suất chè đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm đồng thời đã hình thành chuỗi sản xuất liên kết giá trị thông qua việc hỗ trợ các cơ sở chế biến kinh doanh chè xanh, các HTX, làng nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số, mã vạch và kết nối thị trường tiêu thụ tại siêu thị, hội chợ, các địa phương và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh...

Ra đời từ năm 2018, HTX Chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn do chị Phạm Thị Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc đang từng bước xây dựng thương hiệu tạo chỗ đứng trên thị trường. HTX hiện liên kết với 20 hộ trồng chè với diện tích 37ha, trong đó có 12ha được chứng nhận VietGAP với doanh thu trên một tỷ đồng/năm, số còn lại mặc dù chưa được chứng nhận nhưng các hộ liên kết vẫn thực hiện cam kết trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự quản lý của HTX, kiểm tra ngẫu nhiên theo lô và kiểm tra 100% đầu vào – chè tươi để đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chị Hạnh trăn trở: “Chúng tôi có hệ thống sản xuất chè đảm bảo công suất tuy nhiên việc lựa chọn chè đầu vào phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên đôi khi nguyên liệu thiếu rất nhiều. Chúng tôi đang vận động người dân tham gia vào HTX, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo thương hiệu chè để không có những trường hợp “đạo nhái” chè, “đạo nhái” thương hiệu làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ”.

phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế
Tỉnh Phú Thọ phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế.

Bên cạnh đó, trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ chè là phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị; quy hoạch ổn định vùng chè an toàn ở các vùng chè trọng điểm; xây dựng quy chế quản lý gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, từ đó mới tăng giá trị, hiệu quả cây chè và xây dựng được thương hiệu chè.

Để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ, gắn mục tiêu phát triển bền vững cây chè, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có 100% sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ ba sao trở lên được tư vấn, hướng dẫn rà soát điều kiện, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ 100% sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ có truy xuất nguồn gốc, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy chế quản lý của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đồi chè đã thu hút nhiều du khách đến thăm và trải nghiệm thực tế.
Đồi chè đã thu hút nhiều du khách đến thăm và trải nghiệm thực tế.

Đặc biệt, các địa phương cũng đang chú trọng đưa cây chè vào phát triển du lịch, tạo các tuyến du lịch, các điểm dừng chân thăm quan đồi chè góp phần lan tỏa, quảng bá thương hiệu chè Đất Tổ. Việc phát triển vùng chè an toàn theo hướng bền vững là yêu cầu bắt buộc để có thể xây dựng thương hiệu chè vững mạnh trên thị trường để cây chè thực sự không chỉ là cây trồng giúp giảm nghèo, thoát nghèo mà trở thành cây mang lại sự giàu có đối với bà con nông dân.

Phi Long/ VPTB