Theo đó, dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, do VEC làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Đến nay, lượng xe trên cao tốc này tăng trung bình khoảng 10,45%/năm. Hiện nay, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài gần 21km) đã mãn tải bốn làn xe, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của đường…
Với quy mô bốn làn xe hiện tại, 21km cao tốc nói trên không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác. Do vậy, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết và cấp bách.
Sau khi xem xét, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo phương án được Bộ GTVT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.
Về quy mô, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (km 4 đến km 8 + 770) VEC đề xuất mở rộng từ 4 lên 8 làn xe theo quy hoạch cũ do đoạn này nằm ngoài phạm vi quy hoạch cao tốc.
Đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 8 + 770 đến km 25 + 920) mở rộng với quy mô 10 làn xe theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021.
VEC đã nghiên cứu, trình bày ưu, nhược điểm của bốn phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kiến nghị chọn phương án VEC tự huy động vốn để mở rộng và thu phí tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Phương án này có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi, dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC.
Nhược điểm của phương án này là hiện vốn điều lệ của VEC rất thấp nên để có thể huy động vốn vay mở rộng đường do VEC quản lý, VEC cần được tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu đã được trình cấp thẩm quyền.
Theo đề xuất, VEC sẽ nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km 4+000 - Km 25+920), chiều dài 21,92 km.
UBND TPHCM đầu tư mở rộng nút giao An Phú và đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 (Km 0+000 - Km 4+000) do đoạn tuyến này đã được VEC bàn giao cho UBND TPHCM quản lý, vận hành khai thác và bảo trì.
Về quy mô đầu tư, đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km 4+000 - Km 8+770) do nằm ngoài phạm vi quy hoạch cao tốc nên được đề xuất mở rộng với quy mô 8 làn xe theo quy mô quy hoạch cũ và Quyết định phê duyệt dự án số 334 ngày 13/2/2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km 8+770 - Km 25+920) được đề xuất mở rộng với quy mô 10 làn xe theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021.
Khái toán tổng mức đầu tư mở rộng dự án khoảng gần 14.787 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay VEC đang là chủ đầu tư và quản lý, khai thác cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để thu hồi vốn trả nợ vay nước ngoài. Trong bối cảnh không thể cân đối được vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để mở rộng tuyến cao tốc này, phương án VEC thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có nhiều ưu điểm.
Do đó, bộ thống nhất với đề nghị của VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị Thủ tướng xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.