Theo đó, Quý 4/2023, doanh thu thuần của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) ước đạt 9,760 tỷ đồng và lãi sau thuế ước đạt 631 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 34% so với cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2023, lãi sau thuế ước đạt 1,971 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022, trong khi doanh thu thuần giảm nhẹ 2% xuống 33,137 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của PNJ từ trước đến nay.
Về hoạt động của các mảng, doanh thu trang sức bán lẻ trong năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 – mức giảm doanh thu trang sức bán lẻ của PNJ thấp hơn nhiều so với mức giảm chung của thị trường.
Doanh thu trang sức bán sỉ trong năm 2023 giảm 30,5% còn doanh thu vàng 24K trong năm 2023 tăng gần 21% so với năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp trung bình năm 2023 đạt 18,3%, cao hơn mức 17,5% cùng kỳ năm 2022. Tổng chi phí hoạt động năm 2023 tăng 0,8% so với cùng kỳ do mở rộng hệ thống bán lẻ. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp giảm từ mức 59,1% năm 2022 xuống còn 58,3% năm 2023 nhờ tối ưu hoá vận hành.
Tính đến hết năm 2023, PNJ có tổng cộng 400 cửa hàng bán lẻ vàng bạc, trang sức tại 55/63 tỉnh thành, gồm 391 cửa hàng PNJ (cửa hàng PNJ Gold và PNJ Sliver hợp nhất thành PNJ), 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ, 1 trung tâm kinh doanh sỉ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ kết phiên giao dịch 22/1 ở mức 87.700 đồng/cổ phiếu. Đối với mã cổ phiếu này, SSI Research kỳ vọng giá mục tiêu trong năm 2024 là 96.200 đồng/cổ phiếu, với quan điểm cho rằng PNJ phục hồi nhanh hơn so với thị trường chung.
Được thành lập vào ngày 28/04/1988 với tên gọi Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ). Đến tháng 01/2004, PNJ đã được cổ phần hóa và trở thành Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Năm 2009, cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HOSE, PNJ là doanh nghiệp kim hoàn đầu tiên và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán cho đến nay.
Đánh giá về triển vọng của ngành bán lẻ trang sức, trong báo cáo công bố mới đây, các chuyên gia của SSI Research cho biết mức tiêu thụ trang sức sẽ tăng ở mức một chữ số thấp trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023. Mức tăng trưởng mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 dựa trên mức nền so sánh thấp, nhưng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, sự hợp nhất thị trường đã diễn ra rõ ràng trong năm 2023 đối với trang sức có thương hiệu vốn vẫn còn dư địa để giành thêm thị phần từ trang sức không có thương hiệu (khoảng 50-60% tổng nhu cầu). Do đó, các chuỗi trang sức có thương hiệu có thể đạt được kết quả cao hơn mức tăng trưởng của ngành trong năm 2024.
Đối với PNJ, trong báo cáo gần nhất, SSI Research dự phóng lợi nhuận ròng của thương hiệu vàng bạc đá quý này trong giai đoạn 2023-2024 lần lượt đạt 1.850 tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ, từ 1.840 tỷ đồng) và 2.170 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ, từ 2.040 tỷ đồng). Với P/E mục tiêu không đổi là 16x dựa trên ước tính lợi nhuận điều chỉnh năm 2024, đơn vị phân tích nâng giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu PNJ lên mức 96.200 đồng (từ 90.200 đồng) và duy trì khuyến nghị khả quan (tiềm năng tăng giá là 21,6%).
Tiến Hoàng