Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), doanh thu lũy kế toàn tập đoàn 11 tháng ước đạt 508.900 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 66.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu thô, sản xuất đạm, xăng dầu cơ bản hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Về công tác tiết giảm chi phí, tổng giá trị tiết giảm từ đầu năm đạt 8.745 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch năm. Trong đó giá trị tiết giảm các loại chi phí cấu thành giá thành sản xuất kinh doanh là 3.776 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm. Giá trị tiết giảm, tối ưu trong công tác đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị là 4.969 tỷ đồng, thực hiện 83% kế hoạch năm.
Tính riêng tháng 11, Tập đoàn có 17 đơn vị thành viên ghi nhận kết quả có lãi. Lũy kế từ đầu năm, tập đoàn có 10 đơn vị thành viên vượt chỉ tiêu lợi nhuận từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm.
Năm 2021 được dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường dầu khí thế giới, bất chấp hy vọng về vaccine phòng chống Covid-19 dự báo sớm được đưa vào sử dụng. Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, Tổng giám đốc Petrovietnam chỉ đạo các đơn vị cùng với Tập đoàn tập trung thực hiện công tác dự báo thị trường, các vấn đề kinh tế - chính trị trong năm 2021 để đưa ra các kịch bản ứng phó và có phương hướng quản trị phù hợp.
Ngoài ra, PVN sẽ tập trung phân tích đánh giá các giải pháp để tránh và hạn chế đà suy giảm, tìm giải pháp tăng trưởng trở lại; phân tích kỹ việc đầu tư và quản trị danh mục đầu tư; tập trung triển khai ngay nhiệm vụ trong Đề án về ứng phó với chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu tập trung kiểm soát liên kết ngang giữa các đơn vị để hình thành chuỗi liên kết vững chắc trong toàn Tập đoàn, nhằm phát nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh; đồng thời đánh giá chi tiết, tổng thể tài sản, nguồn lực toàn Tập đoàn làm cơ sở để Lãnh đạo Tập đoàn xem xét tái phân bổ nguồn lực phù hợp nhằm phát huy giá trị sử dụng, tạo tiền đề cho hoạt động của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo.
Hà Lan