Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Thủ đô Paris, Cộng hoà Pháp.
Không gian thiêng liêng hội tụ lịch sử - tâm linh - cảnh sắc
Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là một chỉnh thể di sản độc đáo, trải dài trên ba địa phương: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng – nơi kết tinh những giá trị lịch sử lâu đời, chiều sâu tâm linh thuần Việt và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài trên 3 tỉnh, thành phố
Khu danh thắng Yên Tử đã diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo, đặc biệt chuỗi hoạt động cung rước, tôn trí xá lợi Đức Phật thời gian qua.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận.
Toàn cảnh khu đi tích côn Sơn
Nơi đây ghi dấu sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền duy nhất mang bản sắc dân tộc Việt, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XIII sau khi từ bỏ ngai vàng để xuất gia. Núi Yên Tử quanh năm mây phủ, được xem là “kinh đô Phật giáo” của nước Đại Việt, là biểu tượng cho hành trình giác ngộ và hòa mình với vũ trụ.
Chùa Vĩnh Nghiêm – trung tâm đào tạo tăng đồ lớn nhất thời Trần, nơi lưu giữ hàng ngàn mộc bản kinh Phật quý giá, được xem là “Quốc tự” của Thiền phái Trúc Lâm. Trong khi đó, vùng đất Côn Sơn – Kiếp Bạc lại gắn liền với danh tướng Trần Hưng Đạo, nhà tư tưởng Nguyễn Trãi – những anh hùng kiệt xuất trong lịch sử, vừa mang tính chất phòng thủ chiến lược, vừa là trung tâm văn hóa, tâm linh đặc biệt.
Tất cả hợp thành một không gian văn hóa – tâm linh liên vùng, tiêu biểu cho sự hòa quyện giữa con người – thiên nhiên – triết lý sống, thể hiện khát vọng vươn đến chân – thiện – mỹ của dân tộc Việt qua hàng thế kỷ.
Vinh danh toàn cầu – Tự hào dân tộc
Việc UNESCO ghi danh quần thể này không chỉ là sự công nhận những giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử, tâm linh, thẩm mỹ kiến trúc và cảnh quan, mà còn là sự khẳng định vị thế văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hồ sơ đề cử, được chuẩn bị công phu suốt nhiều năm, đã đáp ứng toàn diện các tiêu chí khắt khe của UNESCO về tính xác thực, tính toàn vẹn, hệ thống quản lý – bảo tồn bền vững và giá trị nhân loại. Đặc biệt, đây là một trong những di sản hiếm hoi thể hiện sự chuyển hóa độc đáo của một nhà vua thành vị tổ thiền, phản ánh tinh thần hòa hiếu, vị tha và sâu sắc của triết học phương Đông.
Từ Di sản đến động lực phát triển bền vững
Được ghi danh Di sản Văn hóa Thế giới là bước khởi đầu cho hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bài bản, khoa học và bền vững. Đây cũng là cơ hội lớn để nâng tầm du lịch văn hóa – tâm linh, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ họp, chia sẻ: “Sự ghi danh này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây là lời mời gọi chân thành gửi đến bạn bè quốc tế đến khám phá một di sản không chỉ của Việt Nam, mà của cả nhân loại.”
Thành phố Hải Phòng – với khu vực Yên Tử Tây thuộc xã An Sinh – giờ đây trở thành một phần cấu thành quan trọng của Di sản Thế giới. Điều này mở ra tiềm năng phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm và nghiên cứu Phật học sâu rộng hơn trong tương lai.
Gắn kết cộng đồng – Lan tỏa tinh thần bảo tồn
Quá trình xây dựng hồ sơ không chỉ là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý và chuyên môn, mà còn là hành trình đồng thuận – đồng lòng giữa chính quyền và cộng đồng. Sau khi được công nhận, trọng trách lớn hơn đặt lên vai các địa phương là tiếp tục phát huy giá trị di sản theo khuyến nghị của UNESCO, trong đó người dân phải là chủ thể của quá trình bảo tồn – phát triển.
Việt Nam – Vững vàng trên bản đồ di sản nhân loại
Tính đến tháng 7 năm 2025, Việt Nam đã sở hữu 13 Di sản Thế giới được UNESCO vinh danh – trong đó, Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới thứ 10, tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ di sản toàn cầu.
Mỗi di sản không chỉ là một minh chứng sống động cho chiều dài lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà còn là kết tinh của bản sắc văn hóa dân tộc, chiều sâu tâm linh, và vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là những miền đất thiêng nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, nơi con người tìm thấy sự bình an giữa linh khí sơn thủy và hồn thiêng dân tộc.
Việc các di sản của Việt Nam liên tiếp được UNESCO công nhận không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị di sản chung của nhân loại, mà còn mở ra cánh cửa đưa hình ảnh Việt Nam – một quốc gia giàu truyền thống, đậm đà bản sắc – hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế bằng chính kho báu văn hóa của mình.
Ngô Quảng